16
Khi tôi trở về nhà, thái dương vẫn còn giật mạnh.
Trên bàn ăn vẫn còn đặt bát đĩa được đậy kín.
Tôi suy nghĩ một lúc, nhìn quanh, rồi rót đầy hai cốc nước nóng mang lên.
Cửa phòng cậu ấy không khóa.
Tôi gõ cửa, đợi một lát rồi mở cửa bước vào. Rèm cửa không kéo, ánh trăng từ ngoài chiếu vào, sáng như được gột rửa.
Dưới chăn nhô lên một cái đầu đang khẽ run rẩy. Tôi đặt cốc nước lên bàn.
“Mẹ tôi từng như thế mà…” Cậu ấy nói từ trong chăn.
“Cảm xúc của con người có thể thay đổi.” Bên ngoài, gió thổi làm cành cây va vào nhau xào xạc, giọng tôi vốn định nghiêm khắc nhưng tự nhiên mềm đi: “Những thứ từng thích có thể bây giờ không thích, và những thứ từng không thích… có thể giờ lại thích. Con người đều thay đổi mà.”
Nói ra những lời này, tôi đột nhiên cảm thấy như gặp phải chuyện kỳ quái, tai tôi nóng bừng lên.
Bối Khương nói: “Nhưng có những cảm xúc không thay đổi. Hề Gia Lương, cậu nghĩ có đúng không?”
Nghe tên mình, mặt tôi cũng bắt đầu nóng lên.
“…Có lẽ đúng, có những thứ có thể không thay đổi.”
Cậu ấy kéo chăn xuống, ngẩng đầu lên, khuôn mặt đẫm nước mắt, nhìn tôi.
“Hề Gia Lương, nhưng vì sao, đến lượt tớ thì lại thay đổi?”
17
Trên điện thoại cậu ấy đang bật sáng là ảnh của cô chị “trà xanh” của mình, được mẹ cậu đăng tải lên mạng xã hội, kèm theo dòng chú thích tình cảm: [Cô con gái tôi yêu nhất.]
Những lời này trước đây vốn là dành cho Bối Khương.
Trước đây, mẹ cậu từng nói rằng Bối Khương đã được hưởng phúc, rằng những năm qua tiền sinh hoạt, phí ăn ở, học phí, tính ra cũng hơn chị cậu vài chục ngàn.
Mẹ cậu nói phải đối xử công bằng. Bà ta gửi cậu về nông thôn là để cậu học biết ơn, học cách nhớ lại những ngày khổ cực, khi nào biết nhường nhịn chị mình, khi nào chịu đựng được chị mình thì lúc đó sẽ được về.
“Nhưng cậu biết Trịnh Thải Vân thực sự là người thế nào không?” Bối Khương nói.
Chị cậu ấy luôn tỏ vẻ đáng thương, nhưng những lời nói, hành động của cô ta đều như những vết cào trên kính.
Cô ta liên tục chọc giận Bối Khương, khiến họ cãi nhau, mắng mỏ nhau, đuổi nhau đi, và cuối cùng Bối Khương bị mẹ mình tát ngã xuống sàn.
Chị cậu ấy bỏ thuốc tránh thai vào thức ăn của cậu ấy. Nhét bao cao su vào cặp sách của cậu ấy.
Lúc 11 giờ đêm, gọi cho các giáo viên của Bối Khương, nói rằng dù Bối Khương yêu đương và đọc truyện màu, xin các thầy cô đừng có thành kiến với em ấy, em ấy vẫn là học sinh tốt.
Mùa hè năm lớp 9, chị cậu ấy đun nước nấu mì.
Lúc bê tới, “vô tình” làm đổ nước sôi lên người Bối Khương, nước nóng chảy từ cằm xuống cổ.
Trong tiếng thét của Bối Khương, chị cậu ấy còn khóc lớn hơn, lấy tay che bàn tay đỏ rát vì bỏng, vừa khóc vừa nói với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay là sinh nhật mẹ, con chỉ muốn nấu mì cho mẹ… Em gái giận là phải thôi, mẹ đừng trách em ấy.”
Bối Khương không nhịn được nữa, gào lên định đánh chị. Nhưng mẹ cậu ấy nắm lấy cổ cậu, lôi cậu ra ngoài.
Từ đó để lại vết sẹo mãi mãi dưới cằm cậu ấy, đồng thời mất luôn quyền ở lại trong nhà. Mẹ cậu ấy nói, khi nào thi đậu đại học thì quay về.
Bối Khương nghiêng đầu tựa vào gối, nước mắt thấm ướt cả gối. Lần đầu tiên cậu khóc như thế, không thành tiếng nhưng vẫn không ngừng rơi nước mắt.
Cuối cùng, cậu hỏi tôi: “Mẹ tôi không tin tôi, nói rằng tôi là đố kỵ, là khinh thường con gái của bà, khinh thường bà…“
“Tôi tin cậu.” Tôi đáp.
Một lúc sau, Bối Khương nói: “Thật may còn có cậu.”
“Tôi sẽ thi đậu đại học. Cả hai chúng ta sẽ thi đậu vào một trường đại học thật tốt.”
Tôi đưa cho cậu cốc nước ấm: “Chắc chắn rồi.”
18
Bối Khương không bao giờ về nhà nữa.
Cậu có một cuốn sổ, trong đó ghi chép tỉ mỉ từng khoản chi tiêu, kể cả những khoản nhỏ nhất cho chú chó con mà cậu nuôi. Vì tôi kiên quyết, mọi khoản đều chia đôi.
Tôi thường xem cuốn sổ đó, đôi khi còn nhắc cậu: “Còn một chai Coca nữa, trên đường đi tôi mua, tôi chỉ uống một ngụm, còn lại cậu uống hết rồi, ba tệ đó, đừng quên ghi vào nhé.”
“Được rồi, được rồi.”
Cậu ấy không còn đi làm thêm nữa, mà dốc toàn lực vào học tập. Năm lớp 11, vào kỳ nghỉ đông, theo lời đề nghị của tôi, cậu đã thực hiện phẫu thuật chỉnh sửa để xóa bỏ vết sẹo trên mặt.
Băng bó hơn một tháng, cuối cùng cũng được tháo ra. Tóc cậu dài ra nhanh chóng, giống như thành tích học tập của cậu vậy.
Đến năm lớp 12, tóc cậu đã dài đến ngang eo.
Sau khi quan sát hai chúng tôi trong hai tháng, ba tôi tin rằng mối quan hệ này chỉ là tình bạn trong sáng, rồi lại trở nên nhiệt tình với Bối Khương.
“Hai đứa là bạn học, phải giúp đỡ nhau nhiều nhé. Bối Khương à, con là chị, Gia Lương mà không nghe lời thì cứ mắng nó, không nghe nữa thì đánh nó, đánh mạnh vào, da nó dày mà.”
Ông càng nói càng hào hứng.
“Ba, cậu ấy chỉ lớn hơn con hơn hai mươi ngày thôi, chị em gì chứ.”
“Dù sao cũng là lớn hơn.”
“Nhưng con sinh non mà, nếu tính từ ngày mẹ mang thai thì con là anh đó, cậu ấy phải gọi con là anh.”
Ba tôi không biết nghĩ gì, liếc qua ảnh của mẹ tôi, mặt hơi đỏ lên: “Im ngay!!”
19
Vào ngày thi đại học, chúng tôi thi ở cùng một điểm thi.
Sau môn cuối cùng, khi tôi ra khỏi phòng thi, gặp hai người bạn cùng lớp. Họ hỏi đáp án của câu hỏi cuối cùng, nghe xong thì kêu trời lên.
“Gia Lương nói thế, chắc chắn là sai rồi. Trời ạ, biết thế tôi đã không sửa đáp án.”
Trước cổng trường, tiếng cười nói rộn ràng, ai nấy đều huyên náo. Có người nói hoa khôi của một trường trung học khác cũng đang thi ở đây, đám bạn còn chen chúc nhau vào xem.
“Hôm nay thi xong rồi, chắc chắn sẽ có màn tỏ tình tại chỗ. Không biết ai sẽ là người may mắn đây.”
Tôi bước qua, đúng lúc thấy Bối Khương quay đầu lại. Bạn tôi ngẩn người: “…Trông có vẻ quen quen.”
Bối Khương đi về phía chúng tôi. Cậu bạn bên cạnh hít sâu một hơi, ngực căng ra như muốn phồng to: “Cô ấy đang đi về phía tôi, về phía tôi! Trời ơi, tôi biết mà, hôm nay gội đầu là quyết định đúng đắn. Tôi nên nói gì đây nhỉ—có nên tự giới thiệu trước không nhỉ?”
Bối Khương dừng lại trước mặt cậu ấy: “Chào cậu, Từ Lâm.”
Cậu bạn bắt đầu lắp bắp: “À… cái đó… cái đó…”
Tôi bật cười: “Thi thế nào?”
Bối Khương cười đáp: “Cũng tạm. Tối nay muốn ăn mừng gì đây, để tôi nấu.”
Cuối cùng, cậu bạn cũng thốt ra câu cuối cùng: “Trời—ơi.”
20
Khi có điểm thi, Bối Khương nhìn rất lâu.
Điểm của cậu ấy đã bị ẩn, điều chỉ xảy ra với những thí sinh thuộc top 50 toàn tỉnh. Ba tôi khen cậu ấy, hiếm hoi lắm ông cũng khen tôi: “May mà không làm mất mặt mẹ con. Điểm này, cũng tạm được.”
Khi hỏi chúng tôi muốn chọn trường nào, tôi vô thức nhìn về phía Bối Khương. Ba tôi chợt hỏi tôi định nhút nhát đến bao giờ. Tôi đưa cho ông xem cuốn sổ ghi chép của Bối Khương.
“Bây giờ mà tỏ tình thì khác nào lợi dụng lúc người ta khó khăn. Hơn nữa, làm ăn là làm ăn, đến lúc đó số tiền này chẳng phải sẽ trở thành nợ khó đòi sao? Thế thì không được.” Tôi nghiêm túc nói: “Ba thấy con nói có đúng không?”
Ba tôi đáp: “Đúng ý ba.”
Tôi cúi xuống hỏi chú chó con bên cạnh.
“Nhóc Con, mày thấy tao nói có đúng không?”
Nhóc Con nâng chân, tè lên chân tôi một bãi rồi chạy đi.
21
Ngay lúc đó, người mẹ đã biến mất bấy lâu của Bối Khương bất ngờ nhớ đến cậu, gọi cậu về nhà một chuyến, nói rằng dù sao cũng là người một nhà và bảo rằng bà nhớ cậu.
Bối Khương nhìn tin nhắn đó rất lâu, đặc biệt là dòng chữ “nhớ con.”
Mắt cậu hơi đỏ, rồi cậu quay qua nhìn tôi. Tôi nói: “Cậu tự quyết định đi. Nếu muốn đi thì gặp một lần, đâu mất miếng thịt nào.”
“Biết đâu mẹ tôi đã hiểu ra rằng tôi không nói dối, biết những chuyện đã xảy ra, hoặc là… có thể bà ấy thực sự nhớ tôi.”
Bối Khương nhẹ giọng nói: “Cậu biết không? Hồi nhỏ tôi thích ngủ nướng, có lần ngủ quên, bà đã xin phép cho tôi nghỉ học. Tôi kén ăn, không thích đồ có vỏ, bà còn bóc hết vỏ bánh bao, vỏ ngô cho tôi. Bà còn có một cuốn sách dạy nấu ăn, toàn là món tôi thích…”
Những đứa trẻ thiếu thốn tình thương thường mang hy vọng viển vông, trái tim từng được bao bọc bởi tình yêu luôn mong có thể khôi phục lại tình cảm xưa cũ.
Mẹ cậu còn hỏi cậu muốn ăn gì, nói sẽ đích thân nấu cho cậu.
Cậu nói, muốn ăn món chả viên chiên mà hồi bé đã từng ăn.