1.
Gió tuyết phủ trắng xóa, khóa chặt con đường lên núi.
Không có hương khách, vốn dĩ chúng ta định đóng cửa am.
Nhưng bỗng xuất hiện một phụ nhân, bám chặt lấy cửa không buông.
Trên người bà phủ đầy sương tuyết, hành động điên cuồng. Hễ thấy ni cô nào đi ngang qua, bà liền giữ chặt, gào khản giọng hỏi:
“Ngươi có biết Tiểu Bảo nhà ta đâu không? Ta tìm không thấy.”
Nhưng không ai trả lời được, bà chỉ biết đứng ngây ra, không biết phải làm sao.
Sau đó, sư phụ Tĩnh ngô của ta, đưa bà vào am, tạm thời an trí.
Ta cũng không rõ bà làm sao lên được đây.
Quần áo ướt đẫm, mặt mũi và đôi tay lấm lem.
Chắc chắn bà đã bị ngã trên tuyết không biết bao nhiêu lần.
Dùng nước ấm lau sạch mặt cho bà, lúc này mới thấy rõ dung mạo.
Ta nhận ra bà.
Bà đã từng đến đây trước kia.
Là một quý phu nhân từ kinh thành, được kẻ hầu người hạ vây quanh.
Nhưng khi nhìn thấy ta, bà bỗng lao qua đám đông, khóc lóc đòi mang ta về nhà.
Bà nói ta mới là con gái của bà.
Còn người trong phủ kia chỉ là giả mạo.
Ta còn chưa kịp hiểu rõ, bà đã bị người ta bịt miệng, cưỡng ép đưa đi.
Hôm nay gặp lại, không ngờ bà lại ra nông nỗi này.
Ta nghe ra, dường như bà đã mất con.
Khi lòng đầy nghi hoặc, Tĩnh Ngô lại ra hiệu cho ta không nên hỏi vội.
Ta đang định lui ra, bà bỗng hoảng hốt nhào tới, ôm chặt lấy ta, lẩm bẩm không ngừng:
“Mẹ đây, con đừng đi.”
Sau khi thân thể được sưởi ấm, bà dần tỉnh táo lại.
Ánh mắt bà nhìn ta tràn ngập tuyệt vọng.
Ta lặng lẽ lắng nghe, bị cuốn theo câu chuyện bà chậm rãi kể ra.
Đó là một câu chuyện tráo đổi đầy mưu toan.
Bản năng thôi thúc ta muốn hỏi Tĩnh Ngô rằng điều này có thật hay không. Nhưng rồi lại chợt nhớ ra, ta đến nơi này còn sớm hơn cả Tĩnh Ngô.
Ngày được đưa tới đây, ta nhỏ bé như một chú mèo con, chỉ biết co mình trong chiếc tã lót. Trên người không hề có tín vật nào.
Trụ trì không nói hai lời, liền bế ta vào am ni cô, dùng cháo gạo nuôi nấng ta trưởng thành, đặt tên là “Bình An”.
Còn Tĩnh Ngô, nàng vào đây năm Chinh Nguyên thứ chín, lúc ấy ta đã được bốn tuổi. Khi nàng tới, tuổi tác chừng đôi mươi, tóc xanh như thác đổ, đôi mắt đẹp tựa hồ xuân, nhưng ánh nhìn lại tĩnh lặng, không gợn chút sóng. Ngay cả khi cạo tóc, nàng cũng chẳng để lộ chút tiếc nuối nào.
Thế nhưng, nàng không phải người lạnh lùng. Ngược lại, nàng thường hay cười, lời nói luôn nhẹ nhàng, dịu dàng. Vì thế, ta rất thích gần gũi nàng, thậm chí còn xem nàng như sư phụ.
Nhưng Tĩnh Ngô chưa bao giờ giảng kinh hay truyền pháp cho ta. Nàng còn bàn bạc với trụ trì, không ban pháp danh, càng không cạo tóc cho ta.
Ta hỏi tại sao.
Nàng đáp: “Những ni cô nơi đây đều tự mình cắt đứt hồng trần mà đến. Nhưng con không giống họ, con chưa từng có quyền lựa chọn. Vì không phải tự mình chọn lựa, nên cần để lại đường lui cho ngày hoàn tục.”
Khi ấy, ta rất khinh thường mà nói: “Một kẻ vừa sinh ra đã bị bỏ rơi như con, còn trần duyên gì để lưu luyến?”
Tĩnh Ngô chỉ mỉm cười dịu dàng, vuốt đầu ta rồi nói: “Tiểu Bình An, nếu không phải đường cùng, trên đời không có cha mẹ nào nỡ lòng bỏ rơi cốt nhục của mình. Hẳn là họ đã gặp phải biến cố.”
Biến cố ư?
Trong câu chuyện, thừa tướng không hề gặp biến cố. Chỉ là người bạn chí thân của ông – An Viễn hầu phạm trọng tội, bị ban chiếu tru di cả nhà. Thừa tướng liều mạng giữ lại đứa trẻ vừa chào đời của An Viễn hầu.
Vì là con cháu tội thần, nên chỉ có thể giấu trong nhà. Nhưng nếu thừa tướng phủ bỗng dưng có thêm một hài nhi, e rằng sẽ gây ra nghi ngờ.
Thế là thừa tướng đành hy sinh chính nữ nhi của mình – đứa trẻ cùng tháng sinh ra với đứa trẻ kia, dự tính qua mặt thiên hạ.
Ta không mấy tin vào câu chuyện này, thấy nó quá gượng ép. Nếu thực sự muốn gửi đi, tùy tiện đưa đến một gia đình nào đó chẳng được sao, hà tất phải gửi vào cửa Phật?
Ta nói với Tĩnh Ngô rằng câu chuyện này quá hoang đường.
Nàng trầm ngâm hồi lâu, rồi khẽ khàng đáp: “Nếu gửi vào gia đình bình thường, chỉ e sẽ trở thành nhược điểm cho người ta nắm lấy, lộ thân phận thì kết cục cũng chẳng khác gì tru di cả nhà. Nhưng nếu đưa vào am ni cô, nơi đó như cách biệt với thế gian.”
Ta vẫn không hiểu, nói rằng muốn đích thân đi hỏi.
Nàng không ngăn cản, còn giúp ta tết một bím tóc dài, khoác lên cho ta chiếc áo trắng nàng mặc khi quy y.
Nhìn thoáng qua, ta không giống một ni cô, mà giống một cô nương đến dâng hương.
Nhưng ta không nhìn lâu trong gương đồng. Vung bím tóc ra sau lưng, mang theo một túi hành lý nhỏ rồi chạy xuống núi.
Túi đồ rất nhẹ, chỉ có bút, giấy, một chiếc kéo phòng thân và một phong bái thiếp.
Thế nhưng, khi đến kinh thành, bái thiếp lại không cách nào trao đi.
Hễ đến gần cổng thừa tướng phủ, lập tức có người xuất hiện ngăn lại, thậm chí hất phong bái thiếp của ta ra xa.
Ta chỉ có thể ở gần đó, chờ vị thừa tướng kia tự mình xuất hiện.
Chờ lâu, tai ta dần trở nên nhạy bén, nghe được nhiều chuyện xung quanh.
Họ nói rằng, thừa tướng phu nhân Trương thị đã mất tích. Thừa tướng phủ đã tìm kiếm nhiều ngày nhưng không có tung tích.
Song giọng điệu của mọi người chẳng chút thương tiếc, chỉ toàn mỉa mai:
“Không biết thừa tướng phủ phí công tìm nữ nhân độc ác kia làm gì. Lúc thì cầm dao đâm phu quân, lúc thì nguyền rủa chính nữ nhi của mình, đúng là một mụ điên!”
Nghe vậy, trong lòng ta rất khó chịu, ngẩng đầu trừng mắt nhìn chủ quán đang nói chuyện.
Không ngờ lại bị hắn bắt gặp: “Nhìn cái gì mà nhìn, không ăn thì cút mau!”
Ta lững thững bước đi, chưa được bao xa, chợt nghe tiếng vó ngựa vang dội, rõ ràng, mạnh mẽ.
Quay đầu nhìn lại, thấy hai nam nhân mặc y phục đỏ sậm, cưỡi ngựa một trước một sau tiến về thừa tướng phủ.
Ta khựng lại, nhất thời quên mất mình định làm gì.
Chỉ trong khoảnh khắc ngập ngừng ấy, nam nhân đi trước như cảm ứng được, bất giác quay sang nhìn về phía ta.
Khuôn mặt ấy, uy nghiêm mà lạnh lùng.
Ta mơ hồ đoán được thân phận của ông —Bùi Thừa tướng đương triều.
Thế nhưng, ông chỉ liếc nhìn ta một cái, liền nghiêng mình xuống ngựa.
“Cha! Hôm nay bãi triều sớm thế.”
Một bóng dáng thướt tha được người đỡ nhẹ bước ra từ cổng lớn phủ Thừa tướng.
Ngước mắt nhìn, trước mắt là cảnh tượng phụ từ tử hiếu.
Ta thu mình lại, định xoay người rời đi.
Nhưng chưa kịp bước, một người thở hổn hển chặn ta lại: “Cô nương, phải chăng đến gặp Bùi Thừa tướng?”
Ta khựng lại, vội lấy ra bái thiếp đã vấy bụi. Nhưng vừa đưa ra đã bị đẩy về: “Không cần cái này đâu, mời cô nương đi theo ta.”
Ta theo hắn, rời khỏi đại lộ, đi qua những con hẻm nhỏ, ngoặt qua từng ngõ vắng. Mãi đến khi xung quanh tĩnh lặng, không còn nghe thấy bóng dáng tiếng người.
3.
Khi Bùi Thừa tướng xuất hiện, ông trực tiếp hỏi: “Vậy là, bà ấy đã lên núi tìm con rồi, đúng không?”
“Bà ấy” ư? Hẳn là chỉ phu nhân của ông.
Nhưng câu hỏi mơ hồ như vậy, ta biết đáp thế nào?
Ta không lắc đầu, cũng chẳng gật đầu, chỉ chăm chăm nhìn ông.
Thế nhưng, Bùi Thừa tướng từ lúc vào đến giờ luôn giữ bình thản, bỗng đỏ mặt, hơi thở gấp gáp: “Nhiều năm qua, ta và mẹ con mỗi năm đều lên thăm con, dâng hương quyên góp, nhưng không dám nhận lại con. Không phải không muốn, mà là không thể.”
Ta vẫn lặng im.
“Bình An, con nói gì đi… Con đến đây, có phải mẹ con đã xảy ra chuyện gì không?”
“Nói gì đi chứ!”
Ông càng lúc càng sốt ruột.
Đến khi mở miệng lần nữa, giọng ông đã run rẩy: “Ta biết con hận ta. Nhưng An Viễn hầu từng liều mạng cứu mạng tổ phụ con. Dù thế nào, Bùi gia cũng phải giữ lại huyết mạch cuối cùng của ông ấy.”
Bùi Thừa tướng ngừng lại, dường như vừa muốn thuyết phục ta, vừa muốn thuyết phục chính mình: “An Viễn hầu… An Viễn hầu từng là bậc công thần xông pha sa trường, mở mang bờ cõi. Nếu không phải bị hãm hại, tuyệt đối không đến nỗi diệt tộc.”
“Bình An, Bình An… con đừng đi.”
Thấy ta im lặng định quay bước, Bùi Thừa tướng cũng mất cả phong độ.
Nhưng ta xuống núi chính là để hỏi rõ ràng đầu đuôi.
Giờ thì không cần hỏi, ta đã hiểu hết rồi.
Cũng nên quay về núi.
Lần này trở lại, ta không còn là khách của am ni cô nữa.
Ta rút chiếc kéo ra, trước mặt Bùi Thừa tướng, “xoẹt” một tiếng, cắt đứt bím tóc dài.
Qua đôi mắt hoảng hốt của Bùi Thừa tướng, ta thấy những lọn tóc của mình rơi xuống vai, lởm chởm như bị chó gặm.
“Bình An!”
“Cha!”
Hai tiếng kêu đồng thời vang lên.
Là của nam tử trẻ tuổi cưỡi ngựa theo sau Bùi Thừa tướng lúc nãy.
Hắn nhìn tóc rơi vãi đầy đất, ngây người không nói nên lời.
Ta chợt nhớ Trương thị từng nói, Bùi phủ có hai người con.
Trưởng tử là Bùi Hằng.
Thứ nữ là Bùi Diệu, chính là cô nương mặc váy hồng ban nãy, sinh cùng năm cùng tháng với ta.
Thấy Bùi Hằng đến, Bùi Thừa tướng vội vàng dùng tay áo lau đi khóe mắt đã ướt.
Nhưng Bùi Hằng không nhìn ông, chỉ chăm chú nhìn ta mà hỏi: “Ngươi là ai?”
“Ni cô trong am,” Bùi Thừa tướng đáp trước ta.
Bùi Hằng: “Trông có vài phần giống… giống mẹ ta.”
Nói được nửa câu, hắn đột ngột im bặt.
Khuôn mặt thanh tú thoáng chốc tái nhợt như tuyết, đôi mắt sáng bỗng chảy đầy tơ máu.
Môi hắn mấp máy mấy lần, cuối cùng run giọng thốt lên: “Không giống, là ta nhìn nhầm rồi.”
Không nên giống mới phải.
Bùi Hằng vội dời ánh mắt, quay sang nói với Bùi Thừa tướng: “Cha, Diệu Nhi lại mất tích rồi.”
Hơi thở vừa dịu đi của Bùi Thừa tướng bỗng trở nên gấp gáp: “Lại đến chỗ Hoài Vương rồi phải không? Ta đã nói với con bé bao nhiêu lần rồi, không được lại gần đám người bên đó…”
Lời ông nhanh chóng bị ta bỏ lại sau lưng.
Khi ra khỏi cổng thành, Bùi Hằng cưỡi ngựa đuổi theo, gọi lớn: “Ni cô, xin dừng bước.”