Phố Đông, ngõ Dương Liễu.
Mỗi khi xuân về, liễu phất phơ theo gió, bay khắp nơi. Nếu đóng cửa thì ngột ngạt, mà mở ra thì trong nhà lại đầy những sợi liễu mỏng manh tung bay.
“Hắt xì!” Ta không nhịn được, hắt hơi một cái.
Trương ma ma khẽ khàng mang vào một chậu nước, tỉ mỉ lau dọn bàn ghế. Bà vừa làm vừa khuyên nhủ:
“Tiểu thư mau đeo khăn che mặt vào, kẻo đêm lại thấy khó chịu trong ngực.”
Ta, một kẻ xuyên không, lại mắc chứng viêm mũi dị ứng. Vừa được thoải mái nằm ở Hoắc phủ hai ngày, ai ngờ lại bị gả đi.
Gả thì gả thôi, nhưng là gả cho một người góa vợ trong nhà họ Trương đã sa sút.
Nghe nói Trương góa vợ vốn nằm liệt giường đã lâu, định cưới ta về để xung hỉ, mong gặp được may mắn mà kéo dài mạng sống.
Chỉ có điều vì quá mừng rỡ khi cưới được một kế thất là đích nữ nhà quyền quý, ông ta vui quá mà lăn ra chec.
Ông ta chec cũng không sao, chỉ là lễ bái đường còn chưa kịp thực hiện.
Người nhà họ Trương bèn muốn giữ ta lại làm góa phụ.
Huynh trưởng ta, người vốn ít khi biểu lộ tình cảm, lần này dường như vì thương xót hoặc cảm thấy nhục nhã, liền vội đón ta lên kiệu hỷ đưa về Hoắc phủ.
Kế mẫu nghe tin, đã sớm sai người ngăn cản không cho ta vào cửa:
“Con gái đã gả ra ngoài là như bát nước đổ đi.”
“Nàng dâu mới gả đi mà trở về nhà mẹ đẻ, chẳng phải sẽ đem xui xẻo cho cả nhà sao? Trong phủ vẫn còn nhị tiểu thư đang chờ gả, đại tiểu thư nên tự về lại Trương gia thì hơn.”
Huynh trưởng còn muốn lên tiếng tranh luận.
Ta chỉ khẽ mỉm cười, dịu dàng nắm tay hắn:
“Thôi, không sao đâu, nếu không được thì ta tự sống một mình cũng tốt.”
Sống một mình thật không tệ!
Nhân lúc Hoắc phủ muốn rũ bỏ gánh nặng là ta, ta liền xin chứng nhận hộ tịch. Bán bộ hỷ phục đi liền có thêm chút bạc, ta thuê được một căn viện nhỏ trong ngõ Dương Liễu trên phố Đông. Viện tuy không lớn, chỉ có ba gian chính, mỗi bên đông tây đều có hai gian phòng nhỏ, phía sau còn một gian bếp. Tất cả đều đủ dùng.
Trong nhà giờ chỉ có ta và gia đình ba người của Trương ma ma từ nhỏ đã chăm sóc ta, đó là toàn bộ nhân lực của ta lúc này.
Ta đang kê một chiếc bàn nhỏ bên giường để tính toán sổ sách.
Khăn che mặt tuy có thể chắn bớt phấn liễu bay vào mũi, nhưng đeo trong nhà thì lại thấy vướng víu.
Nếu có thể buộc một lớp lụa mỏng lên cửa sổ thì tốt hơn nhiều. Nhưng từ xưa, lụa mỏng tựa cánh ve vốn là thứ quý giá. Huống chi cửa sổ lớn như vậy, mua cả tấm thì thừa, mà mua theo thước thì lại càng đắt.
Giờ trong tay còn khoảng năm mươi lượng bạc, mua lụa thì đủ, chỉ là bỏ tiền ra thật xót xa. Không có nguồn thu vào, ngày tháng cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng. Thân xác này từ trước vốn chẳng cần lo liệu gì, của hồi môn do thân mẫu để lại đã bị bán gần hết. Những thứ còn lại hoặc là vật quá to không thể mang ra khỏi Hoắc phủ, hoặc là những món đồ có dấu ấn rõ ràng, khó lòng mà đổi thành bạc.
Hiện tại, việc quan trọng nhất với ta chính là tìm cách kiếm tiền.
Đang vò đầu bứt tóc thì từ xa có tiếng động, chẳng mấy chốc, cô bé người hầu mười hai tuổi, là con gái của Trương ma ma – Xảo Thư, chạy ào vào:
“Tiểu thư, tiểu tư kế bên nhà bên lại đến mượn đồ.”
Nhà bên cạnh dường như mới thuê cùng thời gian với chúng ta, có một chủ và một tớ, tuổi ngoài hai mươi, nghe nói là chuẩn bị vào kinh dự thi.
Chủ nhân nhà đó da trắng như ngọc, dung mạo lại chẳng kém gì Phan An. Tiểu tư thì nhanh nhẹn lanh lợi, cười lên lộ ra hàm răng trắng sáng, vừa gặp đã nói chuyện thân thiết với Xảo Thư.
Mấy ngày gần đây, Xảo Thư cũng đã quen thân với cậu nhóc đó, biết tên cậu ấy là Trường Cung, quê ở Hồ Châu.
Miệng thì phàn nàn, nhưng trên mặt Xảo Thư chẳng có chút bực bội, vì cặp chủ tớ này đối nhân xử thế cực kỳ khôn khéo. Mượn củi thì trả lại hai lạng đường, mượn đồ dùng thì tặng lại những món đồ nhỏ nhắn thanh nhã, mặc dù không đáng giá.
Hôm trước, Trương ma ma làm bánh hành, Trường Cung ngửi thấy mùi thơm bèn qua xin hai cái, không ngờ hôm sau lại trả bằng một rổ mơ. Mùa này mơ vừa chín, rất đắt đỏ, xem ra thân phận của chủ tớ bên ấy cũng không phải đơn giản.
Hôm nay, Xảo Thư chạy vào nói:
“Trường Cung bảo là phấn liễu bay thật phiền phức, công tử nhà cậu ấy nghẹt mũi, hai người đàn ông trong nhà toàn dùng vải thô, họ muốn hỏi tiểu thư có tấm lụa mỏng nào không?”
Nghe xong, ta nhìn tấm khăn che mặt mới để ở góc bàn, chợt nảy ra một ý.
Ta liền gọi Xảo Thư: “Muội quay lại bảo Trường Cung về hỏi ý kiến công tử nhà cậu ấy, bảo rằng hiện giờ ta có một cách có thể ngăn phấn liễu, xem công tử nhà cậu ấy có muốn góp chút bạc không?”