1.
Ta sinh ra đã khác biệt, muốn nhổ liễu ven đường là nhổ, một hơi có thể ăn ba bát cơm.
Cha mẹ nhịn ta đến cực hạn, rốt cuộc không chịu nổi nữa, gào lên: “Thu lại thần thông quái quỷ của ngươi đi!” rồi bán ta đi luôn.
Lần đầu tiên ta gặp công tử, hắn đang ngồi trong nhã gian lầu các, từ trên cao nhìn xuống, thấy ta biểu diễn bể ngực, bẻ gãy thép ngay giữa phố.
Khi ấy, ta đi theo gánh hát, diễn trò mưu sinh. Lưỡi thép chồng ba tầng, ta khẽ bẻ liền đứt. Giữa tiếng hoan hô của đám đông, ta bị người dẫn vào một gian phòng riêng trong tửu lâu.
Công tử khi ấy vừa tròn mười sáu, vóc dáng tuấn dật cao ráo, trang phục toát lên vẻ quý khí, phe phẩy cây quạt trong tay, trông hệt như một vị thần tài.
Hắn hỏi ta: “Tên là gì?”
Ta thành thật đáp: “Gọi là Bảo Doanh.”
Hắn cười nhạt: “Tốt, Bảo Doanh. Từ nay ngươi chính là người của gia.”
Ta khi ấy chỉ mới tám tuổi, sợ đến mức liên tục lùi lại, hoảng hốt xua tay: “Ta bán nghệ, không bán thân!”
Gương mặt công tử lập tức sa sầm, “bốp” một tiếng, quạt xếp trong tay khép lại.
Hắn cười lạnh: “Hừ, xấu như vậy, còn nghĩ nhiều.”
2.
Sau này, ta theo công tử về phủ, trở thành nha đầu hầu cận bên hắn.
Những năm qua, công tử đối với ta rất tốt. Ta cùng hắn kề vai tác chiến, hoạn nạn có nhau… À không đúng, phải nói là tâm đầu ý hợp, cùng nhau trừ bạo giúp yếu. Công tử có cái ăn, ta cũng có chén canh húp.
Ngoại trừ—
Đây là lần thứ một trăm bảy mươi ba ta quỳ trong từ đường.
Nguyên do là ta đã đập nát thư viện nơi công tử theo học.
Công tử nhà ta miệng ngọt như rót mật, ngày thường gây thù chuốc oán không ít. Hôm nay, hắn đang giải quyết chuyện đại sự trong viện, chẳng biết tên khốn nào nghĩ quẩn mà ném thứ gì vào, khiến hắn run tay, làm bẩn đôi hài gấm vừa mới đặt may.
Công tử tức giận đến mức gào thét chấn động trời xanh, lời lẽ khó nghe:
“Đồ rùa đen—tên khố/n kiế/p!!!”
Hắn nghiến răng ra lệnh: “Cho dù có phải đập nát thư viện, cũng phải moi kẻ đó ra cho ta!”
Ta là một nha đầu biết nghe lời.
Dưới sự chỉ đạo của công tử, ta tay không tháo sập ba gian phòng trong thư viện, đá vỡ tường phía Đông và phía Bắc.
Gã gia nô vội vàng chạy về báo tin, vì hắn là người của lão gia.
Cuối cùng, ngay khi ta nhổ gốc cây ngô đồng cuối cùng, từ trên trời rơi xuống một thiếu gia nhà huyện lệnh.
Hắn mỗi lần thi cử đều xếp chót bảng, mà công tử nhà ta cũng đứng áp chót. Hai người từ lâu đã nhìn nhau không thuận mắt.
Lúc này, gương mặt thiếu gia kia loang lổ đủ màu, sắc mặt thê thảm.
Hắn run giọng nói: “Ta thề không phải ta làm! Ngươi tin không?”
Công tử nhà ta nhướng mày, khóe môi khẽ nhếch, nửa cười nửa không:
“Ngươi đoán xem?”
3.
Tan học về phủ, lão gia sớm đã tức đến mức nhảy dựng lên ba thước, còn cởi hẳn một chiếc giày đế ngàn tầng, mùi vị không mấy dễ chịu, giơ lên nửa ngày nhưng rốt cuộc vẫn không nỡ đánh xuống, chỉ có thể chửi cho hả giận.
“Tên tiểu tử thối, ngươi quậy đến mức phá nhà còn chưa đủ, giờ lại dám dỡ cả thư viện, mất hết thể diện tổ tông rồi!”
Công tử cũng nhảy dựng lên, gân cổ cãi lại:
“Phá thì phá, gia đây có bạc!”
Nhưng cuối cùng, bàn tay sắt của số mệnh vẫn đáp xuống mông công tử. Lão gia gầm lên:
“Đó là bạc của ta!”
Đúng lúc ấy, tiên sinh của thư viện đến, muốn bàn chuyện bồi thường chi phí tái thiết.
Lão gia đang hăng máu, cầm giày chỉ thiên, hào khí ngút trời:
“Bao nhiêu? Lão tử có bạc!”
Tiên sinh run run nói: “Bốn… bốn lượng?”
Lão gia nhíu mày, hừ lạnh một tiếng:
“Coi thường ai đấy? Lão tử cho tròn một trăm lượng!”
Ta không nhịn được cười. Nhìn lão gia lúc rút bạc mà xem, quả thật giống y như công tử! Không thể nghi ngờ, đây đúng là phụ thân ruột thịt của hắn!
Sau khi dẫn tiên sinh đi thương lượng, lão gia còn không quên khóa trái cửa từ đường lại.
Họ ở ngoài.
Công tử và ta ở trong.
Hai chúng ta mắt đối mắt.
Trên bàn thờ tổ tiên, hai bài vị sáng lấp lánh, tỏa hào quang chói lọi. Ta nhìn mà nước mắt lưng tròng—
Chỗ này mà đem đổi thành túi thơm, chẳng biết mua được bao nhiêu cái nữa!
Nhưng bụng ta không để tâm đến mấy thứ xa vời đó. Nó bắt đầu réo vang, réo đến mức ta không nhịn được mà lên tiếng:
“Công tử, ta đói.”
Công tử ngáp dài, giọng biếng nhác:
“Dỡ tường ra xem có gì ăn không.”
Ta suy tư một lát, rồi lắc đầu:
“Thôi, tháo cửa sổ đi. Để lại cái lối thoát, dù sao gia cũng là người tốt bụng.”
Công tử hài lòng gật đầu.
“Quả nhiên, ngươi hiểu ta.”
Bên ngoài, trời đã khuya.
Không biết thiếu gia huyện lệnh đã về nhà chưa.
4.
Công tử dẫn ta đến tửu lâu ăn món ngon, phía dưới còn có tiên sinh kể chuyện. Hắn vỗ mạnh xuống bàn, giọng vang dội, hùng hồn kể:
“Chuyện kể rằng, trong trấn này có một gia tộc giàu có họ Hác, trong nhà có một công tử ngang tàng ngạo mạn. Bên cạnh công tử ấy, lại có một… nữ La Sát!”
Ta dừng đũa, ngẩng đầu hỏi:
“Công tử, nghe quen quá nhỉ?”
Công tử còn chưa kịp đáp, đã nghe tiên sinh tiếp tục:
“Nữ La Sát kia, ôi chao, quả thực lợi hại vô song! Thân cao tám thước, dung mạo dữ tợn, chỉ cần nàng bóp nhẹ một cái, đầ/u người lập tức nứ/t toá/c, má/u chảy đầm đìa. Nơi nàng đi qua, cỏ cũng không mọc nổi!”
Bên dưới, tiếng xuýt xoa không dứt.
Ta cứng đờ tại chỗ.
Hả?
“Công tử, hắn… hắn đang nói ta sao?”
Công tử suy tư chốc lát, điềm nhiên đáp:
“A Bảo, đừng nghe hắn nói bậy. Chỉ là lời dèm pha.”
Bữa ăn đó, ta không còn thấy ngon miệng nữa, so với thường ngày ăn ít hơn hẳn một bát cơm.
Sau này, ta lại gặp vị tiên sinh kể chuyện ấy. Lần này, hắn chống một cây gậy mới đánh, ngồi bên quán trà ven đường, xung quanh tụ tập không ít trà khách.
Hắn cao giọng kể:
“Nữ thị vệ nhà họ Hác, sức mạnh vô song, tựa như thiên thần giáng thế! Công tử nhà họ Hác tuấn mỹ phong lưu, nữ thị vệ lại kiều diễm động lòng người. Hai người cùng dấn thân giang hồ, quả thực là một câu chuyện hiếm có, rung động lòng người!”
Ta ngỡ rằng lỗ tai mình đã hỏng.
“Công tử, đầu hắn bị lừa đá rồi sao?”
Công tử sững lại.
“Nói năng kiểu gì thế! Vô lễ quá!”
Ta trầm mặc.
Rốt cuộc là sao đây? Công tử nhà ta hình như cũng bị lừa đá rồi!
5.
Công tử nhà ta họ Hác, tên Hân, tự Vượng Gia.
Tuổi vừa tròn mười tám, dung mạo phong lưu, tựa cành ngọc trước gió xuân.
Nói chung, hắn là một người tốt, chỉ tiếc mỗi lần mở miệng, lời nói như tẩm độc, khiến người ta muốn chế/t đi sống lại.
Nhưng cũng có kẻ không ngại điều đó.
Trên trán hắn trời sinh tựa như khắc sẵn ba chữ “hảo tế tử”, chỉ cần ra khỏi cửa là ở đâu cũng được quý mến, săn đón.
Ví dụ như biểu muội bên nhà cô hắn—Liễu Oanh Nhi.
Hôm đó, ta cùng công tử xách hai túi vịt kho, từ phố chậm rãi dạo bước về nhà. Đúng lúc chạm mặt biểu muội vừa từ kiệu bước xuống, lão gia và phu nhân ra tận cửa nghênh đón.
Công tử lập tức xoay người, kéo ta lùi lại, còn lầm bầm:
“Chồn vàng chúc Tết gà, chẳng có gì tốt đẹp.”
Nhưng cũng chẳng trốn nổi ánh mắt tinh tường của phu nhân.
Ta thầm nghĩ, có lẽ do công tử ăn vận quá mức chói lọi, cứ sáng lấp lánh như thế, muốn giả vờ làm người vô hình cũng khó.
“Đứng lại!”
“Con và biểu muội Oanh Nhi đã nhiều năm không gặp, còn không mau tới hành lễ?”
Biểu muội dáng người uyển chuyển như liễu rủ, ánh mắt long lanh tựa nước mùa thu, dịu dàng hành lễ:
“Biểu ca vạn phúc.”
Ta nhìn mà thấy cũng hay hay.
Công tử nghiêm túc hoàn lễ:
“Biểu muội mạnh khỏe.”
Sau đó không nói thêm một lời, lôi ta đi thẳng.
Ta tò mò hỏi:
“Công tử, vì sao phải tránh mặt biểu muội?”
Công tử ngả người lên chiếc ghế gỗ nam khắc hoa, thổi nhẹ chén trà mới, thản nhiên đáp:
“Nàng à? Trà Long Tỉnh tám năm—lão lục trà.”
Ồ, ta hiểu rồi.
Loại này, ta có thể một quyền đánh khóc cả đống.
Buổi tối, lão gia đặc biệt đặt tiệc từ Túy Xuân Lâu để khoản đãi biểu muội, xem như tiệc gió tẩy trần.
Anh đào chín đỏ, cánh gà hầm mềm, gân hươu kho, ngỗng béo tiềm thanh…
Ta thèm đến mức nuốt nước miếng không biết bao nhiêu lần.
Biểu muội ánh mắt lả lướt, nhẹ nhàng đưa một cái nhìn đầy thâm ý về phía công tử.
Công tử lạnh lùng buông một câu:
“Cóc ghẻ mà cũng mơ ăn thịt thiên nga, nằm mơ đi.”
Ta ngây người, tự xét lại ba trăm hiệp mới xác nhận… hình như câu này không phải nói ta.
Công tử bị biểu muội nhìn đến phát bực, bèn chửi thầm vài câu rồi bỏ đi.
Cũng may, hai túi vịt kho mang về khi nãy vẫn còn ủ ấm trong bếp.
Tham gia bình luận ngay...
You must be logged in to post a comment.