1.
Bầu trời âm u, trên mái ngói lưu ly đã phủ một lớp sương.
Sương mỏng trắng xóa, phản chiếu vào chiếc gương đồng trong phòng. Ta nhìn vào gương, thấy khuôn mặt trắng trẻo của chính mình.
Đây là ta khi mười tám tuổi – cung nữ Bạch Chỉ.
Sau khi bị Chu Mi Thọ đánh chết, ta đã trọng sinh.
Chỉ một canh giờ nữa, Thái tử sẽ đến hậu điện hẻo lánh này. Hắn sẽ dùng cây ngọc như ý nâng cằm ta lên, thốt ra những lời trêu ghẹo:
“Cung nữ này có đôi mày dài tựa liễu. Nếu tô thêm chút phấn kẻ lông mày, nhất định sẽ càng thêm phong tình.”
Rồi tiểu thái giám bên cạnh hắn sẽ vội vàng đi báo cho Chu Mi Thọ, nữ quan của Đông cung, thanh mai trúc mã của Thái tử, đợi nàng đến”Tróc gian”, cúi đầu với Thái tử.
Đời trước, ta ôm trọn niềm vui chuẩn bị xuất cung, vậy mà lại bị đánh chết ngay trước mặt cha mẹ.
Đời này, ta không còn thu dọn hành lý để xuất cung nữa mà lặng lẽ ngồi trang điểm.
Khuôn mặt mười tám tuổi, tựa như hoa sen mới nở. Một chút son phấn điểm tô, đã đủ khiến người khác không thể rời mắt.
Ta cất toàn bộ bạc vào túi, dâng tặng cho đại thái giám chưởng sự của Ty Lễ Giám là Hòa Ngộ, rồi quỳ xuống khẩn cầu, mắt ngấn lệ: “Công công, cầu ngài thương xót ta.”
2.
Ngày hôm sau, trong cung xuất hiện một Bạch quý nhân.
3.
Khi ta mười sáu tuổi, Hòa Ngộ từng tìm đến hỏi ta:
“Trong cung lâu ngày không có tân nhân. Ngươi có chút nhan sắc, có nguyện ý tiến cung hầu hạ không?”
Cái gọi là tiến cung hầu hạ, thực chất chính là thị tẩm.
Ta không muốn.
Ở Thanh Châu xa xôi ngàn dặm có cha mẹ già yếu, muội muội nhỏ tuổi, và cả trúc mã Thôi Thất lang của ta.
Trước khi nhập cung, Thất lang đã cùng ta đổi bát tự. Đợi ta xuất cung sẽ thành hôn.
Nhà chúng ta và nhà họ Thôi chỉ cách nhau một bức tường.
Tháng mười, quả hồng nhà họ Thôi rủ xuống qua tường, treo trước mái hiên nhà ta. Tháng bảy, con chó vàng nhà ta lại chạy sang nhà họ Thôi, rượt ếch khắp sân.
Hai nhà chúng ta từ lâu đã hòa làm một.
Một khi thị tẩm, ta sẽ chẳng bao giờ có thể quay về nữa.
Khi ấy, Hòa Ngộ đã nhìn ta nói với ẩn ý sâu xa:
“Với khuôn mặt này, ngươi không thể quay về làm dân chúng tầm thường được nữa đâu.”
Khi đó, ta không hiểu.
Đêm thị tẩm năm mười tám tuổi, ánh nến đỏ nhạt, Hoàng đế gần như động lòng khi nhìn khuôn mặt ta. Ngài dùng tay vuốt ve đôi mày ta, trầm giọng nói:
“Kiều Kiều, nàng lại trở về rồi. Nàng trở về để gặp Ngũ Lang của nàng.”
Vị đế vương uy nghiêm đêm khuya rơi lệ.
Hoàng đế xếp thứ năm, người duy nhất gọi ngài là Ngũ Lang chính là Tĩnh An Hoàng hậu – Thẩm Nguyệt Kiều, đã mất từ hơn mười năm trước.
Trong cơn đau đớn khác thường, ta chợt hiểu ra hàm ý của Hòa Ngộ năm đó.
Chính vào năm mười tám tuổi, vị Ngũ hoàng tử năm xưa đã gặp Thẩm Nguyệt Kiều với đôi mày dài tựa liễu, từ đó nhất kiến chung tình.
Còn ta, ở tuổi mười tám, định sẵn sẽ phải nở rộ giữa những bức tường cung điện uy nghiêm này, cô độc mà huy hoàng.
Sau khi được phong làm quý nhân, ta đến Khôn Ninh cung thỉnh an.
Hoàng hậu lặng lẽ ngắm nhìn ta một lúc lâu, sau đó mới mỉm cười nhè nhẹ:
“Ngươi tên là Bạch Chỉ. Cũng là tên một vị thuốc Đông y nhỉ.”
Đây là lần đầu tiên ta gặp Hoàng hậu Hứa Niệm Phúc sau mười năm vào cung.
Bà ấy mày mắt thư thái, mỗi cử chỉ dưới lớp phượng bào đều dịu dàng như gió xuân.
Trong những câu chuyện phiếm giữa cung nữ, ai nấy đều bảo Hoàng hậu là người phụ nữ hạnh phúc nhất thế gian. Bà thành thân với Hoàng đế từ thuở thiếu niên, nhiều năm làm bạn tình nghĩa thâm hậu, vừa sinh con đã được phong Thái tử. Nhà mẹ đẻ bà là một danh gia vọng tộc thanh quý, huynh đệ bà ai nấy đều xuất sắc.
Bà không cần lo nghĩ điều gì, tính tình vô cùng ôn hòa.
Niệm Phúc, Niệm Phúc.
Cả đời này quả nhiên là hưởng không hết phúc khí.
Khi đó, ta vô cùng ngưỡng mộ, thầm nguyện cầu rằng ta và Thất lang cũng có thể như bà, nên đôi từ thuở thiếu niên, đến già vẫn bên nhau.
Nhưng Hòa Ngộ lại nói với ta:
“Ngươi từng thấy tượng Bồ Tát bằng đất chưa?
“Hễ trời mưa là tan.”
“Hiện tại, ngươi chính là cơn mưa của Hoàng hậu.”
Quả nhiên.
Hoàng hậu mỉm cười nói, Đông y Bạch Chỉ tính ấm, mùi thơm thanh nhã, ta đúng là người như tên.
Bà lại hỏi:
“Có ai biết công dụng của Bạch Chỉ không?”
Trong đại điện, một phi tần ung dung đáp lời:
“Bạch Chỉ chủ trị bệnh hàn thấp ở nữ giới, khí hư ra nhiều.
“Nghe nói Bạch quý nhân vốn xuất thân cung nữ, chỗ ở đơn sơ, mấy ngày không tắm gội. Nay đã hầu hạ Hoàng thượng thì phải chú ý giữ gìn vệ sinh, đừng để lây bệnh ô uế gì đó.”
Nàng cố ý dùng khăn tay che mũi miệng, ánh mắt đầy vẻ khinh thường.
Tham gia bình luận ngay...
You must be logged in to post a comment.