Mẫu thân ta ra đi.
Hứa nhũ mẫu đưa bà đi chôn ở một vùng hoang dã.
Bà kiên quyết khắc chữ lên bia đá, đôi tay chai sạn đầy m.á.u chảy ròng ròng, nhưng bà dường như không hề cảm thấy đau đớn.
Vừa khắc, bà vừa nói:
“Mẫu thân của con là một người dũng cảm, người dũng cảm không đáng phải chịu kết cục này.”
Lúc đó ta không hiểu được lời này.
Hứa nhũ mẫu cũng không muốn giải thích cho ta.
Sau đó, bà không biết từ đâu kiếm được rất nhiều sách, ép ta học chữ.
Bà nói ta thông minh, học gì cũng nhanh.
Lên sáu tuổi, ta đã có thể đọc hết chữ trong sách, thậm chí thường suy ngẫm ra một số ý kiến riêng.
Khi ấy ta rất tự hào, thường kéo nhũ mẫu đến để đọc sách cho bà nghe.
Bà luôn nhìn ta với đôi mắt đỏ hoe, như thể đang nhìn ai đó qua ta.
Ta biết bà lại nhớ đến mẫu thân ta.
Bà từng nói rằng, ngoài ta ra, mẫu thân là người phụ nữ thông minh nhất mà bà từng gặp.
Chỉ tiếc là sinh không gặp thời, gả không đúng người, không thể thực hiện hoài bão.
Cứ như vậy, nhũ mẫu ở bên ta đến năm ta mười một tuổi.
Một ngày nọ, khi ta đang đọc sách trong phòng.
Nhũ mẫu mang đến cho ta một bát cơm.
Trong bát có cơm trắng hiếm hoi và một chiếc đùi gà, tỏa mùi thơm ngào ngạt.
Ta nghiêng đầu nhìn bát cơm một lúc lâu, rồi khẽ nói: “Ta nhớ cái bát này, là bát họ dùng để cho A Hoa ăn.”
Nói xong ta cười đùa: “Hứa nhũ mẫu, sao bà lại lấy đồ ăn của A Hoa, ta ăn rồi, nó ăn gì đây?”
A Hoa là con ch.ó nhỏ màu đen của nhà họ Chu.
Nhà họ Chu nhờ có Chu Lệnh Kiều mà phất lên như diều gặp gió, nhiều người hối lộ phụ thân ta, khiến gia đình này trở nên rất giàu có.
Đến cả thức ăn của chó cũng rất thịnh soạn.
Nói vậy nhưng ta vẫn đặt sách xuống, lau tay rồi ngoan ngoãn cầm bát lên, an ủi nhũ mẫu:
“Đã lâu rồi không được ăn cơm trắng và đùi gà lớn, mấy hôm trước ăn rau dại đến phát ngán, đa tạ nhũ mẫu, bà đối xử với ta thật tốt!”
Đôi mắt nhũ mẫu lập tức đỏ lên.
Bà thở dài, giật lấy bát cơm từ tay ta, đứng dậy đi ra ngoài:
“Con chờ chút, nhũ mẫu đi mua gà quay cho con ăn.”
Câu này nhũ mẫu từng nói nhiều lần.
Khi bà dỗ dành ta ăn rau dại khô khốc, bà nói ăn xong bữa này sẽ mua gà quay cho ta.
Khi ta cuộn mình trong chăn cứng ngắc giữa mùa đông lạnh giá, bà nói hãy dậy vận động, đợi thân thể ấm lên, sẽ dẫn ta đi ăn gà quay.
Khi ta ốm yếu đến mức không uống nổi thuốc, bà dỗ ta rằng, đợi khi ta khỏe lại, bà sẽ mua gà quay.
Nhiều năm như vậy, gà quay đã trở thành biểu tượng cho khát vọng về cuộc sống tốt đẹp của ta và nhũ mẫu.
Ta cứ tưởng lần này cũng như mọi lần.
Nhưng ta không ngờ rằng, ta đợi mãi đợi mãi, cho đến khi mặt trời lặn, nhũ mẫu vẫn chưa quay lại.
Có hai tỳ nữ vội vã đi ngang qua cổng sân, miệng nhỏ giọng bàn tán về sự náo nhiệt ở tiền viện hôm nay:
“Tất cả là tại ả tiện nhân đó, chảy m.á.u nhiều đến thế, hại chúng ta phải đến tận đây đổ máu.”
“Ả thật sự nghĩ cái mạng tiện nhân của mình có thể đe dọa được phu nhân sao?”
“Không ngờ ả lại dám đập đầu vào cột, cổ gãy ngay tại chỗ, chậc, chắc đau lắm.”
Ta thắp đèn, đứng trong sân, chỉ cách bức tường một bức tường, cho đến khi tay chân đều tê cứng.
Ta biết nhũ mẫu sẽ không bao giờ quay lại nữa.
Ngày hôm sau, tin tức về việc nhũ mẫu tự sát bằng cách đập đầu vào cột được truyền đến biệt viện hoang.
Cùng với tin tức đó, còn có sự xuất hiện của Trần nhũ mẫu bên cạnh Bạch phu nhân.
Bà ta khinh miệt liếc nhìn ta vài lần, nói: “Đi theo ta.”
Ta lặng lẽ đi theo sau lưng bà.
Đi được vài bước, bà quay đầu lại nhìn ta, trong mắt chỉ toàn sự lạnh lùng:
“Bà lão họ Hứa thật là uổng công nuôi dưỡng ngươi, bà ấy c.h.ế.t vì ngươi, ngươi lại không hỏi han lấy một câu.”
Ta cứng đờ ngẩng đầu lên, há miệng nhưng không thốt nên lời.
Trần nhũ mẫu thoáng ngạc nhiên, rồi cười nhạt:
“Giờ lại giả câm, mong là ngươi giả được cả đời.”
Bà ta dẫn ta đến bên cạnh chuồng ngựa, nơi có một căn nhà gỗ, là phòng ở của mã nô trong phủ.
Trần nhũ mẫu chỉ vào căn nhà gỗ: “Dù Hứa nhũ mẫu đã dùng mạng đổi lấy con đường sống cho ngươi, nhưng phu nhân thật sự không muốn nhìn thấy ngươi. Từ nay ngươi sẽ làm mã nô trong phủ, chỉ cần không nảy sinh ý định khác, phu nhân sẽ giữ lại mạng sống cho ngươi.”
Tham gia bình luận ngay...
You must be logged in to post a comment.