Năm 1985, cô tôi ra t.ù.
Bố mặc kệ những lời mắng mỏ của mẹ, đón cô về nhà.
Trong làng ai cũng nói cô là kẻ phá hoại, không an phận.
Nhưng sau đó, cô đập mạnh một tờ tiền lớn xuống bàn rồi nói:
“Nhóc con, đi học đi, cô lo cho mày.”
1
Năm 1985, tôi mười ba tuổi, nhà tôi xảy ra một chuyện lớn: cô tôi, người từng ngồi tù, đã ra trại.
Khi bố tôi quyết định đón cô về, cả làng náo loạn cả lên.
Trưởng thôn đến nhà khuyên ông: “Tường Quốc à, làng ta chưa từng có ai ngồi tù. Anh đón cô ấy về, danh tiếng của làng sẽ bị bôi nhọ mất thôi.”
Bà nội từ nhà bác cả mắng nhiếc suốt dọc đường về nhà tôi: “Con đàn bà xui xẻo đó năm xưa dám bỏ trốn để khỏi cưới, đáng lẽ phải c.h.ế.t ở bên ngoài. Anh tài lanh cái gì chứ? Nhà nhiều tiền thì lo mà hiếu thảo với mẹ già này đây, chứ lo chuyện bao đồng tưởng hay ho lắm à?”
Ngay cả mẹ tôi cũng ném đũa xuống bàn, hét lên với bố: “Lâm Tường Quốc, nếu anh dám đón cô ấy về, thì tôi sẽ không sống với anh nữa!”
Chỉ có bí thư thôn lén lút dúi vào tay bố tôi năm đồng: “Con bé Lâm Mai này khổ lắm, trong nhà chỉ có anh còn nghĩ cho nó. Cầm lấy, đưa nó đi ăn chút gì ngon lành.”
Tôi trốn trong bếp, nhìn bầu không khí nặng nề trong nhà, không muốn bố đi.
Nhưng ông vẫn mang theo một miếng đậu phụ rồi ra ngoài.
Mẹ vừa khóc vừa càu nhàu thu dọn đồ đạc, kéo em trai tôi, Lâm Nhược, về nhà ngoại.
Trước khi đi, bà nhìn tôi nói: “Mày ở lại trông chừng bố mày. Nếu người đàn bà đó dám ăn dù chỉ một hạt gạo của nhà mình, tao về sẽ tính sổ với mày.”
Tôi lí nhí gật đầu, trong lòng hiểu rõ, bà không đưa tôi theo là vì mang hai đứa trẻ về ăn cơm, sắc mặt của mợ cả sẽ càng khó coi hơn.
Trong nhà không có ai, tôi chỉ dám nấu một nồi cháo loãng lót dạ buổi trưa, rồi cầm chổi quét sân đến tận khi trời tối, bố mới dẫn theo một người phụ nữ xa lạ nhưng lại có chút quen thuộc trở về.
Đó chính là cô tôi, Lâm Mai.
Lần cuối cùng nghe thấy tên cô là hai năm trước, khi có người đến làng báo tin cô bị đi tù, hỏi nhà có ai muốn vào thăm không.
Cô mặc một chiếc áo sơ mi đỏ rực, mái tóc uốn xoăn vén gọn sau tai, đẹp đến lạ, hoàn toàn khác với dáng vẻ lam lũ, ảm đạm của những thím trong làng.
Thế nhưng khuôn mặt cô lạnh lùng, ánh mắt đầy vẻ khó chịu quét qua một lượt khắp căn nhà, bực bội lẩm bẩm: “Căn nhà tranh rách nát này, ngay cả mái ngói đàng hoàng cũng không có, Lâm Tường Quốc, anh sống hèn mọn thật đấy.”
Mắng xong, cô nhìn tôi hỏi: “Cháu là Tiểu Tuyết à? Mẹ với em trai cháu đâu rồi?”
Bố tôi cũng lên tiếng: “Mau gọi họ ra đi, cô cháu mua bánh bao nhân thịt đấy, hâm nóng rồi chia nhau ăn đi.”
Tôi liếc nhìn bố, nhỏ giọng nói: “Mẹ không có ở nhà, mẹ đưa em trai về bên ngoại rồi.”
Mặt bố xụ xuống ngay lập tức, ông ngập ngừng lấy từ trong túi ra một cái bánh bao: “Vậy con hâm một cái ăn đi, còn lại để dành cho em trai, mai bố sẽ đi đón họ.”
Cô lập tức rút ra ba cái bánh bao, quắc mắt nói: “Lâm Tường Quốc, anh có biết suy nghĩ không đấy? Con bé 13, 14 tuổi, là tuổi ăn tuổi lớn, một cái bánh bao thì no được chắc? Bánh bao tôi mua, anh lấy quyền gì mà quyết định?”
Chỉ vì ba cái bánh bao thịt ấy, tôi bỗng dưng thấy quý mến cô ngay lập tức.
2
Tôi ngày càng quý mến cô hơn.
Cô dám ngủ thẳng giấc đến khi mặt trời lên cao, bố tôi cũng không dám gọi, chỉ dặn tôi trông chừng cô rồi vội vã đi sang nhà ngoại từ sớm.
Sau khi ngủ dậy, câu đầu tiên cô hỏi tôi là: “Giờ này rồi, sao cháu vẫn chưa đi học?”
Tôi gãi đầu, nhỏ giọng đáp: “Năm ngoái cháu tốt nghiệp tiểu học, mẹ không cho học tiếp nữa.”
Cô lại hỏi: “Thế cháu có muốn học tiếp không?”
Tôi lắc đầu: “Cháu học kém lắm, thôi không học nữa. Sang năm cháu sẽ đi làm phụ hồ ở xưởng gạch cùng với bố.”
Học phí một học kỳ cấp hai là năm đồng, bằng nửa tháng lương của bố ở xưởng gạch. Trong làng, con gái đều không học cấp hai.
Cô không nói gì thêm, lặng lẽ ăn hết hai cái bánh bao cùng với cháo. Đang ăn dở, bố tôi ủ rũ quay về, phía sau không có mẹ và em trai.
Cô nuốt miếng cuối cùng, lau miệng rồi nói: “Không về thì thôi, tôi có cách khiến bà ta phải năn nỉ để được về.”
Sau đó, cô chỉ vào tôi: “Con bé này mấy ngày tới sẽ theo tôi, tôi muốn dẫn nó ra ngoài.”
Bố tôi trừng mắt: “Em vừa mới ra tù, đừng có gây chuyện nữa, còn định làm hư con nít à?”
Cô cũng trừng mắt lại: “Anh còn muốn vợ mình quay về không? Nếu muốn thì đừng lắm lời.”
Bố tôi muốn. Thế là cô tôi thành công dẫn tôi đi theo.
Cô chọn từ nhà một cái thúng trống có nắp đậy, rồi dẫn tôi đi một quãng đường rất xa, đến tận bến xe buýt trấn trên.
Tham gia bình luận ngay...
You must be logged in to post a comment.