Chiếc xe ấy, cả đời này tôi sẽ không quên. Vỏ xe sơn xanh trắng, thân xe dài, trước đây tôi chỉ có thể đứng nhìn từ xa, nhưng hôm đó, tôi đã lần đầu tiên được bước lên. Vé xe hai hào, 26 chỗ ngồi.
Tiền vé xe đủ để mua gần nửa cân thịt lợn, nên cũng không có nhiều người đi. Chúng tôi tìm được hai chỗ ngồi cạnh nhau, cô bảo tôi ngồi sát cửa sổ.
Cô nói: “Trên đường phải mở to mắt ra mà nhìn, không được ngủ. Về nhà, cô sẽ kiểm tra đấy.”
Không cần cô dặn, tôi cũng không ngủ nổi. Thành phố ấy mà, tôi chưa bao giờ đặt chân tới. Ngay cả trấn trên, tôi cũng chỉ được đi hai lần vào dịp lễ Tết.
Đất bùn vàng dần dần nhường chỗ cho con đường nhựa phẳng lì, trên đường xe cộ qua lại tấp nập. Những tòa nhà ven đường cũng cao lớn, y hệt như trong sách ngữ văn đã miêu tả. Tôi lén đưa tay ra ngoài cửa sổ, cảm nhận cơn gió lùa qua vùn vụt.
Hơn hai tiếng trôi qua trong chớp mắt.
3
Chúng tôi xuống xe ở một con hẻm lộn xộn, cô dắt tôi men theo lối nhỏ đi vào bên trong. Nơi này náo nhiệt vô cùng.
“Tất bông đây, tất bông! Lấy sỉ từ một trăm đôi trở lên!”
“Chậu sứ năm hào một cái, bán sỉ từ mười cái. Bán lại có thể lời tám hào!”
“Kẹo lạc đây, hai đồng một cân, lấy từ hai cân trở lên, từ hai cân trở lên!”
……
Giữa dòng người đông đúc chen chúc, cô tôi len lỏi qua từng ngóc ngách, cuối cùng rẽ vào một sân nhỏ khuất nẻo. Trong sân có một người đàn ông béo mập.
Cô hạ giọng nói: “Tôi được lão Đổng giới thiệu tới, muốn lấy áo sơ mi vải phíp.”
Người đàn ông trả lời: “Sáu đồng rưỡi một cái, tối đa ba mươi cái. Nếu lấy thì nhanh lên, hôm nay hết hàng rồi.”
Cô tôi không hề chớp mắt, nhanh chóng lấy ra một chiếc túi vải, rút từ trong đó một xấp tiền dày cộp, đưa cho người đàn ông, đổi lại một giỏ đầy áo quần.
Những chiếc áo đó, tôi chẳng dám chạm vào.
Nhà tôi rất nghèo. Hồi đó, khi chia tài sản, bà nội chia cho bác cả, ông nội chia cho bố tôi. Ông tôi sức khỏe kém, chữa trị suốt nhưng cuối cùng vẫn qua đời, nợ nần chất đống.
Vì vậy, nhà tôi mỗi khi mưa đều phải dùng chậu hứng, ăn thịt chỉ vào dịp lễ Tết. Em trai ăn ba miếng, tôi ăn một miếng, và tôi cũng không thể học tiếp cấp hai.
Tôi sợ làm bẩn những chiếc áo đó, nếu tôi làm hỏng, có bán tôi đi cũng không đủ để trả nợ.
Nhưng cô lại dẫn tôi đi đến một con phố toàn nhà cao tầng.
Cô cầm một chiếc áo giấu trong tay, đi qua trước tòa nhà đẹp nhất, lượn qua lượn lại. Thấy những người phụ nữ đi giày da, cô liền tiến lại gần, vén một chút tà áo lên, nhỏ giọng nói: “Chất liệu vải giống y như trong trung tâm thương mại ấy, họ bán mười hai đồng, tôi chỉ bán mười đồng thôi.”
Phần lớn đều lắc tay cô và vội vã đi mất, chỉ có một cô gái trẻ, sờ vào vải rồi nói: “Vải này giống hệt cái tôi thấy hôm qua, chín đồng, tôi lấy.”
Cô tôi làm vẻ khó xử, rồi nói: “Con bé này, thật biết mặc cả đấy. Thôi được, thấy con xinh, cô bán cho con vậy.”
Nói vậy, nhưng tay cô nhanh chóng lấy một chiếc áo từ trong giỏ, một tay nhận tiền, tay còn lại đưa áo cho người mua.
Sau khi bán được chiếc áo đầu tiên, cô mới đưa tôi vào một con hẻm nhỏ bên cạnh và dặn: “Cháu thấy chưa, đó là công việc kinh doanh đấy. Cô sẽ tiếp tục bán, còn cháu ở đây trông mấy cái áo. Nếu thấy ai mặc đồng phục trắng có huy hiệu đỏ, cháu cứ ngồi lên giỏ, bảo là đang chờ người lớn trong nhà, nghe rõ chưa?”
Sau này tôi mới biết, số tiền một trăm chín mươi lăm đồng mà cô bán áo là toàn bộ gia sản của cô, và cô dám giao phó hết cho tôi.
Hôm đó, tôi không biết phải nói sao về cảm giác của mình. Vừa lo lắng sợ làm mất áo, vừa phấn khích vì mình có thể làm một giao dịch lớn như vậy.
Có lúc mười phút, có lúc cả một giờ, cô tôi lại dẫn người đến lấy một chiếc áo sơ mi. Đến tối, chúng tôi đã bán được mười chiếc.
Áo sơ mi giá sáu mươi lăm đồng, bán lại được chín mươi lăm đồng, lời được ba mươi đồng, bằng ba tháng lương của bố tôi.
4
Hai mươi chiếc còn lại, chúng tôi đổi ba địa điểm, sau ba ngày mới bán hết.
Tôi học được cách nâng giá lên trước, rồi đợi người khác mặc cả. Tôi cũng biết được rằng những người mặc đồng phục trắng có huy hiệu đỏ là nhân viên pháp lý, phải tránh xa họ.
Ngày cuối cùng, buổi sáng đã bán hết, còn rất lâu mới đến chuyến xe buýt cuối cùng. Cô tôi vào con hẻm bán buôn mua hai cân kẹo lạc.
Sau đó, cô đẩy tôi đến trước cổng trường, đưa giỏ cho tôi và nói: “Cháu thấy góc phố kia không? Ở đó cổng trường không nhìn thấy, nhưng học sinh vẫn đi qua. Cháu mang kẹo đến đó bán đi, năm xu một viên, toàn bộ tiền bán được là của cháu.”
Tôi muốn nói, kẹo đắt như vậy, bọn trẻ sao có tiền mua được? Nhưng nhìn mấy đứa trẻ cùng lứa tuổi, đeo cặp sách, cười tươi rói, tôi không thể không thử một lần.
Truyện hay