Tôi lén làm xét nghiệm ADN cho đứa con trai sáu tuổi mà mình đã nuôi nấng, và kết quả nằm ngoài sức tưởng tượng.
Nó và chồng tôi là cha con ruột, nhưng giữa tôi và nó không có bất kỳ quan hệ máu mủ nào.
Tôi thất thần cầm tờ kết quả trở về nhà, và tình cờ bắt gặp cảnh mẹ chồng đang xúi giục con trai tôi:
“Cháu ngoan, con hổ cái kia vốn không phải mẹ con, chúng ta mới là một gia đình thực sự.”
Thằng bé sáu tuổi tôi đã nuôi nấng suốt bao năm ngẩng khuôn mặt nhỏ nhắn lên, cười hớn hở đáp lại:
“Bà nội, con biết mà. Đợi con lớn, con sẽ đuổi bà ta ra khỏi nhà, chỉ hiếu thảo với bà, bố và ông nội thôi!”
Hóa ra cả gia đình này đều coi tôi như kẻ ngu ngốc, không những bám lấy tôi để hút máu mà còn dám tráo đổi con tôi.
Nếu đã vậy, một số người nên chuẩn bị ngồi đạp máy may đi!
(đạp máy may = vào too lao động đó mọi người)
1.
Việc làm xét nghiệm huyết thống không phải là quyết định bốc đồng.
“Mẹ con xấu xa quá, để bà nội thay con dạy bảo bà ta. Dám không nấu cơm cho cháu yêu quý của bà, để cháu bị đói gầy như thế này.”
Vừa thấy tôi về, mẹ chồng đã vung tay đánh vào vai tôi.
Cạnh đó, thằng bé tròn như quả bóng cũng bắt chước bà nó, vừa đánh vừa la hét:
“Mẹ xấu, mẹ xấu xa, không cho con ăn cơm. Đánh mẹ! Đánh mẹ!”
Vừa nói, nó vừa giơ tay đánh tôi cùng bà nội.
Bộ dạng hỗn láo của nó khiến tôi vừa nhìn đã cảm thấy bực bội vô cùng.
“Tránh ra!” Tôi không còn tâm trí nào để dạy dỗ nó như mọi khi, đưa tay đẩy nó về phía bà nội.
“Ôi trời ơi, bảo bối của bà, sao lại gặp phải loại mẹ như thế này? Đúng là khổ mà.”
Gương mặt tròn trĩnh đầy thịt của nó bị ép đến mức ngũ quan chẳng còn rõ ràng, chỉ có nốt ruồi ở giữa trán vì vừa cắt tóc mà lộ rõ.
Nhưng cả tôi và bố nó đều không có nốt ruồi như vậy.
Đây không phải lý do dẫn đến việc tôi làm xét nghiệm, nhưng nó chính là giọt nước tràn ly khiến tôi quyết định hành động.
“Đồ đàn bà hung dữ! Suốt ngày bắt nạt tôi và bà nội. Đợi bố về, tôi sẽ bảo bố ly hôn với bà, cưới cho tôi một người mẹ tốt hơn gấp trăm lần!”
Ồ, thằng bé nhỏ tuổi mà đã có suy nghĩ như thế, không biết ai đã nhồi nhét vào đầu nó?
Tôi nhìn về phía mẹ chồng, có lẽ ánh mắt của tôi mang theo sự sắc bén và dò xét hiếm thấy, bà ta vừa đối mặt với tôi đã có chút chột dạ, vội lảng tránh ánh mắt của tôi.
Nhưng ngay sau đó, bà ta lại nhận ra điều này không ổn, bèn giận dữ nói với tôi:
“Cô nhìn cái gì mà nhìn! Cô có ra dáng làm mẹ không? Đến thằng nhỏ còn không thích cô! Đi thôi, bảo bối, đừng ở đây để con mẹ ghẻ này bắt nạt. Đói rồi thì bà đưa con đi mua đồ ăn.”
Nói xong, bà ta kéo thằng bé rời khỏi nhà.
Hahaha, đúng là màn kịch nhàm chán, lần nào cũng phải diễn đi diễn lại. Dìm tôi xuống bùn rồi lại tỏ ra mình là người tốt.
Nhưng lần này, tôi cũng chẳng buồn cố gắng dạy dỗ đứa trẻ bị tráo đổi này nữa.
Chờ hai người họ rời đi, tôi vào phòng, lục tung mọi giấy tờ liên quan đến lần tôi sinh con, từ hồ sơ nhập viện cho đến các loại giấy tờ kiểm tra.
Đáng tiếc, tôi chẳng tìm được gì.
Cũng phải thôi, nếu đây là âm mưu có sắp đặt từ trước của người đàn ông nằm cạnh tôi, làm sao hắn lại để tôi dễ dàng tìm ra chứng cứ?
Vậy con tôi đang ở đâu?
Là bé trai hay bé gái?
Liệu nó có sống tốt không?
2.
“Hôm nay em cãi nhau với mẹ anh à? Anh về thấy bà khóc đấy.”
Tối muộn, gần nửa đêm, chồng tôi – Hứa Tắc, viện cớ tăng ca, mới trở về. Câu đầu tiên anh ta nói khi bước vào phòng là câu này.
Tôi nhìn đồng hồ, 11 giờ 50 phút. Ồ, đã đến giờ để “nghệ nhân pha trà” biểu diễn.
“Không, anh nghĩ nhiều rồi. Có lẽ mẹ nhớ bố anh thôi. Hay là mai anh đưa mẹ về quê, thế nào?”
Hứa Tắc nghe vậy, lập tức cau mày khó chịu:
“Giản Duệ, mẹ anh nuôi anh khôn lớn không dễ dàng, em…”
Nghe đến đây, lửa giận tôi tích tụ cả ngày liền bùng lên. Những câu như thế này, suốt bảy năm kết hôn, tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần.
“Mẹ anh không dễ dàng.”
“Mẹ anh không có ý xấu.”
“Mẹ anh không nghĩ như vậy.”
“Em phải hiếu thảo với mẹ anh.”
Cmn, một người đàn ông chẳng làm việc gì khi về nhà, suốt ngày ra lệnh với mẹ mình, thậm chí còn muốn người khác đút cơm cho, không hiểu sao khi kết hôn rồi bỗng dưng lại “bộc phát” lòng hiếu thảo.
“Mẹ anh trở nên ‘không dễ dàng’ từ khi nào? Là từ khi anh và bố anh khiến bà như vậy, hay từ khi anh lấy tôi? Chuyện đó có liên quan gì đến tôi không?”
Trước đây, để Hứa Tắc không khó xử giữa mẹ và vợ, tôi đã nhượng bộ không biết bao nhiêu lần. Nhưng bây giờ, tôi không muốn nhịn nữa!
“Lúc anh quát mẹ anh, sao anh không thấy bà ‘không dễ dàng’? Sao, lòng hiếu thảo của anh cũng là kiểu ‘hiếu thảo Schrödinger’ à? Với anh thì sao cũng được, nhưng với tôi thì nhất định phải có? Hay tôi lấy anh còn phải kiêm thêm ‘dịch vụ hiếu thảo thuê’ nữa?”
“Em… Em đúng là không thể nói lý lẽ được!”
Hứa Tắc bị tôi nói cho cứng họng, mãi không thốt ra được câu nào, cuối cùng chỉ biết hét lên câu này.
Nói xong, anh ta thay quần áo, quay lưng nằm xuống giường, biểu hiện rõ ràng không muốn nói chuyện thêm.
Tôi đã quá quen thuộc với kiểu chiến tranh lạnh này rồi. Nhưng giờ đây, nó chẳng có tác dụng gì với một người đã hết quan tâm.
3.
Buổi sáng, tôi ngủ một giấc thật ngon, vừa rửa mặt vừa suy nghĩ kế hoạch hành động hôm nay.
Lúc này, cửa phòng ngủ mở ra. Hứa Tắc nhìn thoáng qua bàn ăn, không thấy bữa sáng như mọi khi liền lớn tiếng gọi:
“Mẹ! Sao sáng nay không nấu cơm!”
Ồ, đúng rồi, anh ta đang chiến tranh lạnh với tôi. Nếu tôi không nhượng bộ, anh ta sẽ không nói chuyện với tôi, phải tìm người làm trung gian thôi.
Quả nhiên, bà mẹ chồng đang ngồi trên ghế sofa làm bộ làm tịch liền phụ họa ngay:
“Đúng vậy, không biết nhà ai lại có cô con dâu lười biếng như vậy, sáng sớm không nấu cơm, để chồng con phải nhịn đói.”
Tôi dựa vào cửa phòng tắm, nhìn họ diễn kịch, rồi nhàn nhã đáp lại:
“Đúng thế, không biết nhà ai lại có cô con dâu lười biếng, sáng sớm không nấu cơm, để con trai và cháu trai phải đói.”
Nghe câu này, cả hai người trong nhà đều ngớ người.
Nhưng bà mẹ chồng già đời hơn, nhanh chóng phản ứng, chưa kịp mở miệng nước mắt đã rơi:
“Tôi… tôi đã làm gì nên tội chứ! Cả đời cực khổ nuôi con, giờ lại phải đến đây trông cháu, ngày ngày vất vả, còn bị người ta trách không nấu cơm sáng… Huhu… Tôi không sống nổi nữa, thà chết đi cho rồi, đỡ phải làm phiền mọi người!”
Không chịu nổi việc mẹ mình “bị ức hiếp”, Hứa Tắc lập tức quên mất cả chiến tranh lạnh, quay sang mắng tôi:
“Giản Duệ! Em ngày càng không biết điều! Mẹ anh từ quê xa xôi đến đây giúp em chăm con, vậy mà em đối xử với mẹ anh như vậy à?!”
Tham gia bình luận ngay...
You must be logged in to post a comment.