05
Nơi ở cũ đã bị chủ nợ tìm đến tận cửa rồi, chắc chắn không thể ở lại được nữa.
May mắn thay, Nghê Tố Tuyết rất thạo việc dùng điện thoại.
Chẳng mấy chốc, cậu ấy tìm được trên mạng một căn nhà nhỏ, hai phòng ngủ một phòng khách, diện tích chỉ 50 mét vuông, tiền thuê cực kỳ rẻ.
Chủ nhà cũng rất dễ tính, thấy chúng tôi cảnh mẹ góa con côi, liền đồng ý giảm một nửa tiền cọc và thanh toán cứ mỗi ba tháng một lần là được.
Nhưng dù vậy, tiền thuê nhà vẫn rút cạn toàn bộ số tiền tiết kiệm của tôi, trong túi chỉ còn lại có tám trăm tệ mà thôi.
Nghê Tố Tuyết thấy vậy, môi mím chặt thành một đường thẳng:
“Con có thể đi làm thêm…”
Tôi tức đến mức gõ vào trán cậu ấy một cái: “Đồ nhóc con ch//ết ti//ệt, sao con cứ nghĩ đến chuyện đi làm thêm thế hả?”
“Dù sao con cũng không đi học nữa mà”
“Con nói nhảm gì thế hả!”
Giọng tôi mạnh mẽ đến mức dường như dọa sợ Nghê Tố Tuyết, cậu ấy tròn mắt kinh ngạc nhìn tôi.
Ý thức được mình lỡ lời, tôi hít một hơi thật sâu, nhưng cuối cùng vẫn không nhịn được mà càu nhàu:
“Sao lại không đi học chứ? Thời buổi này, không có bằng cấp thì làm gì cũng khó. Thời của bà… ”
Tôi khác với Hứa Quế Chi trước đây, tôi chỉ học đến tiểu học, cả đời chỉ làm ruộng.
Nhưng chắc chắn Nghê Tố Tuyết không thích nghe mấy chuyện này.
Tôi nuốt hết lời định nói vào bụng, vỗ vai cậu ấy.
“Đi thôi, bà đưa con đến trường.”
06
Dưới sự chỉ dẫn của Nghê Tố Tuyết, chúng tôi nhanh chóng đến được trường trung học nơi mà cậu ấy theo học.
Dừng xe đạp ở cổng trường, cậu ấy dẫn tôi đi lòng vòng khắp nơi, cuối cùng cũng tìm đến văn phòng của chủ nhiệm.
Tôi đẩy cửa bước vào.
Bên trong phòng, một cô giáo nghiêm nghị ngồi thẳng lưng, nghe thấy tiếng liền ngẩng đầu lên nhìn tôi.
“Tôi là bà của Nghê Tố Tuyết,” tôi vội vã nở một nụ cười, vừa xoa xoa tay vừa nói, “muốn xin cho thằng bé được quay lại trường học…”
Để chắc chắn không xảy ra sơ sót, tôi mang theo toàn bộ số tiền còn lại, tám trăm tệ.
Cô giáo lắc đầu, nói:
“Phụ huynh Nghê Tố Tuyết à, Nghê Tố Tuyết từng đánh nhau ở trường, còn làm bạn học gãy xương mũi nữa.
“Trước đây, chính bà là người đưa cậu ấy đến làm thủ tục thôi học mà.”
Tôi quay đầu nhìn Nghê Tố Tuyết.
Cậu ấy đứng dựa vào khung cửa, cúi đầu, không biết đang nghĩ cái gì.
Tôi nghẹn lời, chỉ biết lấy ra chiếc túi vải nhỏ trong túi áo, từ từ mở từng lớp, định đưa tiền cho cô giáo:
“Thằng bé… nó thực sự biết lỗi rồi thưa cô…
“Cô ơi, hãy cho nó thêm một cơ hội nữa nữa đi mà.”
Cô giáo đẩy tiền trả lại, vẫn nhẹ nhàng từ chối.
“Phải làm sao bây giờ?”
Mắt tôi cay xè, đầu gối theo phản xạ muốn khuỵu xuống, nhưng đã bị một đôi tay cứng rắn giữ chặt lại.
Nghê Tố Tuyết nắm chặt lấy vai tôi, mạnh đến mức các khớp ngón tay tái xanh, môi dưới cắn đến trắng bệch:
“…Không sao đâu ạ, con không đi học cũng được.”
Đứa trẻ này, rốt cuộc nó có biết mình đang nói gì không hả?
Tôi là một bà lão sống ở nông thôn, cả đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Tôi chẳng có tầm nhìn xa xôi gì, chỉ nghĩ rằng học hành mới là con đường thoát thân duy nhất thôi.
Tôi không muốn cuộc đời của Nghê Tố Tuyết cứ thế mà lãng phí như vậy được.
Cô giáo phá tan bầu không khí yên tĩnh.
Cô nhìn biểu cảm trên mặt tôi, lại nhìn Nghê Tố Tuyết, rồi thở dài nặng nề:
“Hay là cứ cho em ấy thử học một ngày đi.”
Ra khỏi cổng trường, tôi gần như không thể kiềm chế nổi nụ cười trên môi.
Nhưng rất nhanh, một vấn đề mới lại hiện ra trước mắt tôi.
Sinh hoạt phí của Nghê Tố Tuyết phải làm sao bây giờ?
Con trai đang tuổi ăn tuổi lớn, ăn nhiều thì nghèo cả nhà. Nó lại gầy như thế, càng cần phải ăn thêm thịt.
Còn tiền sách vở, tiền đồng phục nữa chứ…
Tám trăm tệ này thì làm được gì đây?
Tôi ngửa mặt thở dài, hỏi hệ thống có cách nào kiếm tiền không.
Hệ thống nói: “Phải dựa vào sự cố gắng của ký chủ thôi.”
Nếu là Hứa Quế Chi lúc trước, còn có thể đi dạy học hay dạy thêm, nhưng tôi thì chẳng biết làm gì cả.
Mặt tôi nhăn nhó, đẩy chiếc xe đạp về phía trước, vừa đi vừa tính toán xem nên đi làm lao công hay xin vào nhà máy.
Thân thể này trẻ hơn tôi rất nhiều, chắc khoảng hơn năm mươi, cơ thể vẫn còn khỏe, không biết liệu có chịu nổi công việc trên dây chuyền sản xuất không.
Đi một lúc, một mảng xanh đập vào mắt tôi.
Tôi lắc lắc cái giỏ xe, lấy ra một túi nhựa, nhướn mày lên, vui mừng tiến tới.
Nhanh tay nhặt mấy cái chai nhựa bỏ vào túi.
Hệ thống hét lên một tiếng cao vút, như muốn rách cả giọng: “Ký chủ, bà đang làm gì vậy!!”
“Đừng lục thùng rác nữa!! Đừng nhặt chai lọ nữa mà!!”
Tôi làm ngơ.
Hai cô gái tay cầm một cái thùng lớn đi tới. Ban đầu định vứt vào thùng rác, nhưng nhìn thấy tôi, họ liếc nhau một cái rồi đưa cái hộp giấy trên tay cho tôi.
Tôi mỉm cười cảm kích:
“Cảm ơn các cháu nhé.”
“Chai nhựa hai tệ một cân, hộp giấy bảy đồng một cân, góp gió thành bão mà.” Tôi nói với hệ thống. “Đây cũng là một cách kiếm tiền.”
Hệ thống: “…”
Nó lại rơi vào im lặng dài đằng đẵng.
Tôi vui vẻ lặp lại động tác, trong mắt chai nhựa và hộp giấy như hóa thành từng điểm sáng đáng yêu, ghép lại thành những chữ “Học phí của Nghê Tố Tuyết”, “Sinh hoạt phí của Nghê Tố Tuyết”…
Cảm giác toàn thân tràn đầy sức sống!
“Bà đang làm gì vậy!”
“Ấy, đã nói rồi mà…”
Tôi khựng lại, nhận ra đó không phải giọng của hệ thống.
Nghê Tố Tuyết bước nhanh tới, giật lấy cái túi trắng tay tôi.
Tôi ngơ ngác:
“Con không phải đang đi học sao?”
Nó siết chặt cái túi, giọng gần như run rẩy:
“Tại sao?”
“Tại sao gì cơ?”
“Tại sao phải nhặt chai lọ!”
Tôi mỉm cười với nó, cố gắng nhẹ nhàng nhất có thể:
“Bà, bà chỉ nhặt chơi thôi mà…”
“Là vì con đúng không?” Nghê Tố Tuyết ngắt lời tôi, đôi mắt hổ phách nhìn chằm chằm vào tôi, bướng bỉnh đến mức sắc lạnh:
“Bà muốn nhặt chai lọ để nuôi con đi học phải không?”
“Tại sao phải như vậy? Tại sao lại… đối xử với con tốt đến thế?”
Tôi chưa bao giờ thấy Nghê Tố Tuyết có cảm xúc mãnh liệt như lúc này. Từ khi tôi xuyên không tới giờ, nó lúc nào cũng lạnh lùng, xa cách.
Nhưng ngay lúc này, giọng nói của nó vỡ vụn:
“Con chỉ là một gánh nặng thôi, nếu bỏ con đi, bà sẽ sống tốt hơn rất nhiều!”
“Hứa Quế Chi vốn dĩ đã định làm vậy mà…”
“Chúng ta chỉ là người xa lạ mà thôi!”
Xung quanh chỉ còn lại tiếng gió rít qua.
Tôi mở miệng, nhưng phải rất lâu sau mới tìm lại được giọng nói của mình.
“Con đang nói gì vậy, đứa trẻ này? Chúng ta sao có thể là người xa lạ được chứ?”
“Bà là bà nội của con mà.”
Câu nói này như một tảng đá nặng nề rơi xuống, khiến Nghê Tố Tuyết phải đưa tay che mặt, thân người lảo đảo.
Cậu ấy sụp xuống, cúi gập người, giọng nói nhỏ xíu như một sợi dây căng, chỉ cần chạm vào là đứt.
Tiếng nức nở nghẹn ngào len lỏi qua các kẽ tay:
“…Con không muốn đi học ở đó nữa.”
“Họ bắt nạt con.”
“…Bà ơi, họ bắt nạt con.”
08
Nghê Tố Tuyết chuyển đến ngôi trường trung học này từ nửa năm trước.
Cậu ấy đẹp trai, học giỏi, rất được thầy cô yêu thích.
Thậm chí có vài cô gái còn lén lút tỏ tình với cậu ấy.
Điều này khiến một nhóm “đầu gấu” trong trường nhìn không vừa mắt.
Bọn họ cho rằng Nghê Tố Tuyết đã cướp mất sự chú ý của mình, vì thế muốn cho cậu ấy một bài học.
Một buổi chiều tan học, Nghê Tố Tuyết bị chặn trong con hẻm và bị đánh một trận.
Mấy cậu thiếu niên ở tuổi này chẳng biết nặng nhẹ, khiến Nghê Tố Tuyết bị bầm dập khắp người. Ngày hôm sau, cậu ấy báo với giáo viên.
Những đứa kia vốn đã nổi tiếng là đám ngang ngược, gọi phụ huynh đến cũng chẳng ích gì. Giáo viên chủ nhiệm chỉ khiển trách qua loa.
Nhưng chuyện đó chẳng khác gì châm dầu vào lửa.
Từ đó, nhóm học sinh kia bắt đầu ghi hận Nghê Tố Tuyết, tuyên bố hễ thấy cậu ấy là sẽ đánh một trận.
Cuộc sống của Nghê Tố Tuyết ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Sách vở của cậu ấy bị xé nát, hộc bàn bị nhét đầy rác. Trong giờ thể dục, chẳng ai chịu ghép đội với cậu ấy. Nghê Tố Tuyết chỉ đứng lặng lẽ một mình, trong khi đám con trai nhìn cậu ấy và cười ầm lên.
Một tháng sau, cuối cùng Nghê Tố Tuyết cũng không thể chịu đựng được nữa, cậu ấy bèn nói với Hứa Quế Chi.
Dù sao cậu ấy cũng chỉ là một đứa trẻ, từ nhỏ đã chưa từng chịu khổ. Chịu đựng đến chừng ấy đã là giới hạn rồi.
Nhưng lúc đó, Hứa Quế Chi lại đang rối bời vì chuyện của con trai mình.
Đối với đứa cháu sinh ra từ người con dâu “chen chân” vào nhà mình, Hứa Quế Chi nhìn thế nào cũng thấy chướng mắt.
Thậm chí, bà ta còn cho rằng chính Nghê Tố Tuyết và người mẹ hồ ly tinh của nó đã phá hoại gia đình nhà họ Nghê.
Hứa Quế Chi cười lạnh một tiếng, cố tình hỏi cậu ấy:
“Tại sao bọn chúng chỉ đánh mày mà không đánh người khác? Đúng là ruồi không bu vào trứng lành.”
Nghê Tố Tuyết mím chặt môi, ánh sáng nhỏ nhoi trong mắt cậu ấy cũng lụi tàn.
Ba ngày trước khi tôi xuyên không đến đây, cậu ấy lại bị chặn đường trên đường tan học.
Lần này, cuối cùng cậu ấy cũng đã phản kháng.
Trong cơn tuyệt vọng bùng nổ, từng cú đấm của Nghê Tố Tuyết đều mang theo sự quyết liệt không màng sống chết, đánh cho đám con trai kia khóc lóc, kêu la thảm thiết.
Thậm chí, có người còn bị gãy cả xương sống mũi nữa.
Giáo viên chia đều trách nhiệm cho cả hai bên, nói đây là một vụ ẩu đả nghiêm trọng và yêu cầu Nghê Tố Tuyết phải công khai kiểm điểm. Họ cũng gọi Hứa Quế Chi lên trường.
Hứa Quế Chi hoàn toàn suy sụp.
Bà ta đã dạy học cả đời, là một giáo sư đại học được mọi người kính nể. Con trai thì ngoan ngoãn, thành đạt. Vậy mà giờ đây, cháu trai lại trở thành một đứa trẻ gây gổ đánh nhau như côn đồ!
Bà ta mất hết phong thái ban đầu, ngay trước mặt giáo viên đã tát Nghê Tố Tuyết một cái và bắt cậu ấy nghỉ học.
…
Nghe đến đây, tôi há hốc miệng, không thốt nên lời.
Một cơn giận dữ nồng đậm, sâu sắc trào lên từ lồng ngực, khiến tôi tức đến mức ngực thắt lại.
Tôi đạp mạnh lên chiếc xe đạp, quay sang Nghê Tố Tuyết và nói:
“Lên đây!”
“Bà nội sẽ dẫn con đi dạy dỗ bọn chúng!”
“Đúng là đồ vô lương tân, dám bắt nạt cháu trai của bà như thế này à!”
Nghê Tố Tuyết đứng ngẩn người tại chỗ.
Cơn gió nhẹ nhàng lướt qua trán nó.
Tất cả sự bướng bỉnh, cố chấp, và góc cạnh của tuổi trẻ như hòa tan, chảy thành những giọt nước long lanh lăn dài trên má.
Trong đôi mắt cậu ấy vẫn ánh lên chút sáng vụn vỡ, khóe môi lại hơi cong lên.
Cậu ấy cười.
Tham gia bình luận ngay...
You must be logged in to post a comment.