1
Ngày ta rời khỏi Hầu phủ, Nghiêm phu nhân không đến tiễn ta.
Bà nuôi ta mười sáu năm, ta tưởng ít nhiều cũng có chút tình cảm.
Thôi, nếu thật sự có tình cảm thì sao lại để ta đi.
Đường đường chính chính là Hầu phủ chẳng lẽ lại nuôi không nổi một đứa con gái hay sao?
Phùng Chiếu Thu ngồi bên cạnh, thân hình bà thô kệch, giơ tay quất một roi khiến con bò già chạy nhanh hơn mấy bước.
Ta nghiêng người, suýt ngã khỏi xe.
Bà mắt nhanh tay lẹ kéo ta lại, rồi đỡ ta ngồi vững.
“Thân hình gầy yếu, chân thì không vững, con như vậy không được.”
Quý nữ kinh thành lấy sự gầy yếu làm đẹp, yếu đuối như liễu rủ trước gió là tốt nhất, ai mà quan tâm chân có vững hay không?
Ta cúi đầu, không đáp lời.
Phùng Chiếu Thu cũng im lặng, chỉ là lực quất roi nhẹ hơn, xe bò đi chậm lại, cũng vững hơn.
Thôn Bảo Hoa cách kinh thành không xa, ra khỏi thành đi về phía tây ba mươi dặm là tới.
Khi trở về thôn, vừa đúng giữa trưa, nhà nhà đều ngồi trong sân ăn cơm.
Ta cũng giống như bị diễu phố, bị họ nhìn từ đầu làng đến cuối làng.
Phùng Chiếu Thu có nhân duyên không tệ, không ít người chào hỏi bà.
“Chiếu Thu, đón người về rồi à?”
“Đón về rồi!”
Bà trả lời rất to, người nói chuyện với bà cũng cười ha hả chúc mừng.
Có gì đáng mừng chứ?
Ta cau mày, Phùng Chiếu Thu lập tức thu lại nụ cười.
Bà có vẻ hơi sợ ta.
“Đến rồi.”
Trước mắt là một cái sân nhỏ được bao quanh bởi tường đất, nằm ở nơi hẻo lánh nhất của làng, gió thổi là bụi bay mù mịt, may là cách xa chuồng bò, cũng coi như sạch sẽ.
Trong sân có hai cây đào, hoa nở rực rỡ.
Phùng Chiếu Thu như dâng bảo vật mà đẩy cửa phòng ta ra: “Căn phòng này hướng tốt, mùa đông ấm mùa hè mát. Còn chăn gối này, đều là bông mới nhồi năm nay…”
Nói xong, bà cẩn thận nhìn ta, có chút mong đợi, lại có chút lo lắng.
Nhưng ta không thể diễn được cảnh tình mẫu tử sâu nặng.
“Nếu bà thật sự quan tâm đến ta, tại sao lại bán ta cho người khác? Bà đừng nói là vì muốn ta được sống sung sướng, trẻ sơ sinh trong tã lót sẽ không chê nghèo yêu giàu.”
Huống hồ, Nghiêm phu nhân đối với ta tâm tồn khúc mắc, đối xử với ta không tốt.
Không chỉ ăn ở thấp hơn Lạc Nhu một bậc, ngay cả việc học hành cũng không cho ta đến lớp. Mãi đến khi lão phu nhân ngầm nhắc nhở, dù sao ta cũng mang danh là trưởng nữ của Hầu phủ, không thể ngay cả tên cũng không biết viết, bà ta mới phái một nha hoàn đến dạy ta nhận chữ.
Cho nên khi Lạc Nhu nổi tiếng khắp kinh thành thì ở kinh thành cũng không ai không biết ta là một kẻ ngu dốt.
Thật buồn cười, trước kia ta chỉ nghĩ là bà thiên vị muội muội, chưa từng nghi ngờ mình không phải con ruột.
Dù sao thì nhà quyền quý con cái đông đúc như vậy, ai lại đi nhận con nhà khác về nuôi chứ?
“Ta…” Phùng Chiếu Thu ấp úng, ta cười lạnh một tiếng, không muốn nói nhiều với bà.
Bà liền hoảng loạn, buột miệng thốt ra: “Ta không biết cha con là ai, một mình ta không nuôi nổi con!”
2
Phùng Chiếu Thu là con gái của tội thần, sau khi bị kết tội thì bị đưa vào Lục Lầu của Giáo phường ti, chịu đủ mọi cực khổ.
Mãi đến năm tân hoàng đăng cơ, để tỏ lòng khoan dung, đã đại xá một số tội liên đới, Phùng Chiếu Thu mới được thoát khỏi Giáo phường ti, chuyển sang lương tịch.
Chỉ là khi bà rời đi, đã mang thai.
“Ta sinh ra con ở thôn Bảo Hoa. Lúc đó ta gầy yếu, nằm trên giường nghỉ ngơi ba tháng, đã dùng hết tiền tích cóp… Nếu không phải vậy, ta cũng tuyệt đối không thể đưa con đi. Nhưng giờ thì khác rồi, giờ ta khỏe mạnh, có thể làm rất nhiều việc, một mình ta cũng nuôi nổi con.”
Nói xong, bà vội vàng lấy một chiếc hộp gỗ từ tủ trong phòng ta ra, đưa cho ta: “Đây là khế nhà, khế đất của nhà ta, con cầm hết đi.”
Bà sợ ta không tin bà.
Từ khi ta biết chuyện, chưa có ai lấy lòng ta như vậy.
Nghiêm phu nhân đối xử với ta khắc nghiệt, Hầu gia thì chưa từng nhìn ta bằng con mắt bình thường, gia nhân thì toàn nịnh trên đạp dưới, mặc dù họ không biết thân thế của ta nhưng thấy ta không được cha mẹ yêu thương liền qua loa lãnh đạm.
Phùng Chiếu Thu nói: “Niệm Chi, mười sáu năm qua, không có ngày nào là ta không nhớ con.”
Ta nhìn hai tấm khế sách trong hộp gỗ, cổ họng nghẹn lại, ta không muốn khóc nhưng nước mắt vẫn cứ chảy dài.
Nếu ta có thân thế như vậy, bà không cần ta, hận ta, cũng là nên.
Sao bà có thể yêu ta được chứ?
Phùng Chiếu Thu thấy ta rơi nước mắt liền luống cuống tay chân. Bà muốn lau nước mắt cho ta nhưng lại sợ bàn tay thô ráp làm tổn thương khuôn mặt ta, liền chạy ra ngoài lấy một chiếc khăn tay đưa cho ta.
Chiếc khăn tay đó đã được bà giặt sạch sẽ nhưng bà vẫn cảm thấy có lỗi với ta, miệng không ngừng lẩm bẩm: “Vải bông vẫn cứng quá, lần sau đi kinh thành phải mua ít lụa…”
Ta cụp mắt xuống, nói: “Ta không cần những thứ đó.”
Phùng Chiếu Thu sửng sốt, cẩn thận nói: “Niệm Chi, ta lại nói sai rồi sao? Con đừng giận ta, ta, ta…”
“Ta không giận. Chúng ta đã là người bình thường, hà tất phải nói đến sự phô trương của tiểu thư nhà công hầu? Có tiền thì mua thêm hai miếng thịt.”
Hầu phủ giàu có, những nha hoàn được coi trọng còn sống tốt hơn tiểu thư nhà bình thường bên ngoài, ta là tiểu thư giả không được sủng ái nhưng cũng đã dùng qua một số thứ tốt.
Nhưng ta không quan tâm đến những thứ đó.
Mỗi lần đi lễ chùa cùng Nghiêm phu nhân, ta không cầu vinh hoa phú quý, không cầu lang quân như ý, chỉ cầu cha mẹ thương xót.
Chỉ cần được cha mẹ yêu thương, dù ăn cám nuốt rau ta cũng cam lòng.
Giờ như vậy, cũng coi như được toại nguyện.
Ta bình tĩnh lại sau biến cố, mẫu nữ liên tâm, Phùng Chiếu Thu cảm nhận được sự bình tĩnh này, cũng không còn sợ sệt, bà cầm lấy tạp dề, xách dao phay đi ra sân sau bắt gà.
Bước chân bà vững vàng, hai tay hữu lực, nhanh nhẹn bắt được một con, không chớp mắt liền cắt tiết gà.
Máu gà chảy ra, ta không thấy sợ hãi, chỉ thấy dáng vẻ cầm dao của bà không hiểu sao lại phấn chấn lòng người.
Bà không giống những người phụ nữ mà ta từng gặp.
Khi ở Hầu phủ, ngay cả bà tử tạp dịch trong bếp cũng chú trọng đến tư thế tao nhã.
Nhưng Phùng Chiếu Thu không quan tâm, trong mắt bà chỉ có công việc trước mắt, bà chỉ quan tâm làm sao để hoàn thành công việc một cách nhanh chóng và tốt nhất.
Bà đun nước sôi để làm sạch lông gà, đặt cả con gà lên thớt. Ta cầm dao phay, hỏi bà: “Có thể để ta thử không?”
Bà cười lớn: “Tất nhiên là được! Nhưng mà, con biết làm không?”
Ta chưa từng giết gà nhưng không phải chưa từng ăn gà.
Ta cầm dao bằng cả hai tay, dùng sức chặt xuống, xương vụn bắn tung tóe, cánh gà bay vào bếp lò, lăn một vòng đầy tro.
Phùng Chiếu Thu nói: “Dùng tro bếp rửa thịt, rửa càng sạch hơn, con làm vậy gọi là một bước đúng chỗ.”
3
Nói thì nói vậy nhưng ta cũng không thấy bà dùng tro bếp để rửa thịt.
Kẻ lừa đảo!
Phùng Chiếu Thu không biết suy nghĩ của ta, bà đẩy ta ra khỏi bếp, bảo ta đi gọi hàng xóm ở bên cạnh đến ăn cơm.
“Bên cạnh là nhà họ Khương, tổng cộng có năm người nhưng hai phu thê và trưởng tử nhà họ thường xuyên đi xa buôn bán, ngày thường chỉ có Khương nãi nãi cùng Khương gia tiểu muội ở nhà.
” Khương gia tiểu muội bằng tuổi con, hai đứa có thể chơi với nhau.”
Ta đứng ở cổng nhà, mãi không chịu đi ra.
Quý nữ kinh thành tuyệt đối sẽ không làm như vậy, thiết yến mời khách, ai mà không phái gia nhân đến đưa thiệp trước mười ngày nửa tháng? Có khi nào lại đích thân đi mời người đến ngay trước bữa ăn?
Nghĩ như vậy, ta liền tự tát mạnh vào mặt mình một cái.
Đây không phải kinh thành, ta cũng không phải quý nữ. Mẹ ta là nông phụ, ta chính là thôn cô, đâu có nhiều lễ nghi như vậy?
Ta đẩy cửa ra, học theo dáng đi của Phùng Chiếu Thu, không ngờ lại thêm được mấy phần ung dung.
Hít một hơi thật sâu, ta gõ cửa nhà họ khương.
Người mở cửa là Khương gia tiểu muội, da cô ấy hơi ngăm đen, đôi mắt to và sáng, đứng ở đó giống như một ngọn cỏ dại.
Cô ấy cười nói: “Tỷ chính là con gái của Phùng di? Đôi mắt giống hệt Phùng di, đẹp quá!”
Giống hệt sao?
Lúc nhỏ ta cũng thường nghe người ta nói như vậy, nhưng người họ nói là Nghiêm phu nhân và Lạc Nhu.
Ta từng ôm gương soi trái soi phải, cố gắng tìm ra điểm giống nhau giữa khuôn mặt của ta và Nghiêm phu nhân nhưng tìm mãi tìm mãi, ngoài việc đều có hai mắt một miệng thì những thứ khác có thể nói là chẳng liên quan gì đến nhau.
Ta sờ đuôi mắt, hỏi: “Nhìn một cái là biết ngay sao?”
Khương Thụy nói: “Nhìn một cái là biết ngay. Phùng di có cặp mắt phượng, tỷ cũng vậy, chỉ là tỷ đẹp hơn Phùng di nhiều!”
Khương Thụy nói không nhỏ, Phùng Chiếu Thu nghe thấy, giọng bà lập tức vọng qua tường: “Hồi trẻ a di cũng đẹp!”
Vừa lúc đó, Khương nãi nãi từ nhà chính đi ra, bà nghi hoặc hỏi: “Cái gì mà vểnh lên? Gà vểnh lên? Cái đó mềm thì để lại cho ta ăn.”
Khương nãi nãi đã lớn tuổi, tai và chân không được tốt lắm.
Khương Thụy tiến lên đỡ lấy bà, cười nói: “Còn phải nói, lần nào Phùng di không để lại cho bà?”
Phùng Chiếu Thu làm một bàn toàn món ngon, gà vịt cá thịt đều đủ cả, Khương Thụy trêu chọc: “Giống như ăn Tết vậy, toàn là nhờ phúc của Niệm Chi tỷ.”
Nhưng những món ăn như vậy, ở những gia đình quyền quý thì không được coi trọng.
Ẩm thực của quý tộc, thường coi cái thực là thấp kém, coi cái hư là cao quý. Giết gà, không ăn thịt, phải ăn măng hầm trong nước luộc gà. Ăn thịt không bằng ăn chay, ăn chay không bằng ăn hoa, ai uống gió ăn sương, người đó chính là giống như thần tiên.
Phùng Chiếu Thu từng là tiểu thư nhà quan, đương nhiên hiểu rằng những gì tốt nhất bà có thể cho ta, còn không bằng một chút cặn bã lọt qua kẽ tay của Nghiêm phu nhân.
Cho nên Khương Thụy khen bà, bà lại thấy có chút áy náy.
Ta nhìn thấy, gắp một miếng thịt gà, nhai ngấu nghiến.
Nghiêm phu nhân không yêu ta, cho ta một chút cặn bã lọt qua kẽ tay cũng thấy tiếc.
Phùng Chiếu Thu yêu ta, dâng cả đôi tay lên vẫn thấy còn thiếu.
Nếu ta còn không biết điều thì thật sự là ngu ngốc.
Tham gia bình luận ngay...
You must be logged in to post a comment.