Tôi không thông minh, nhưng con trai nhà hàng xóm lại là một thiên tài hiếm có trăm năm mới xuất hiện.
Tôi vùi đầu vào bàn học ngày đêm mới đậu vào trường 985, còn anh ta trốn học, yêu đương với hoa khôi mà vẫn được các trường đại học hàng đầu tranh giành.
Tôi ngày nào cũng ngồi lì trong thư viện ôn bài, chỉ vì kém một bậc mà vuột mất suất học thạc sĩ, còn anh ta chỉ lướt qua sách trước kỳ thi đã dễ dàng giành vị trí đứng đầu toàn khoa.
Mỗi lần mắng tôi, bố mẹ luôn túm lấy tai tôi mà nói:
“Nhìn con nhà người ta mà xem! Cũng là người, sao con lại ngu hơn nó nhiều thế hả?”
…
Nửa đời đầu của tôi luôn sống dưới cái bóng của anh ta, đến mức vừa tốt nghiệp, tôi lập tức rời khỏi nhà mà chạy trốn.
Suốt ba năm, mặc cho bố mẹ gào thét trong điện thoại, tôi vẫn không về.
Đêm giao thừa năm thứ tư, tôi xách túi đồ về căn phòng trọ, nhưng ở cửa lại thấy anh ta.
Dáng người anh ta gầy gò, dựa vào tường, giọng nói khẽ khàng:
“Sao không về nhà?”
Tôi không trả lời.
Ánh mắt anh ta tối lại, rồi nói tiếp:
“Về đi. Bố mẹ cậu nhớ cậu lắm… Tôi cũng vậy.”
1
Nửa đời đầu của tôi luôn sống dưới cái bóng của Lâm Du.
Anh ta là thiên tài trăm năm có một, còn tôi chỉ là một học sinh bình thường đến không thể bình thường hơn.
Anh ta dễ dàng đậu vào trường cấp ba trọng điểm, nhảy lớp và được các trường đại học danh giá tranh nhau nhận. Dù cúp học, yêu đương, thầy cô cũng chỉ khen anh ta “có cá tính”.
Còn tôi thì cứ thế mà bước từng bước cẩn thận, cắt tóc ngắn nhất có thể, thức khuya luyện đề, dốc hết sức lực chỉ để đậu vào một trường 985.
Khi tôi đậu đại học, Lâm Du đã là sinh viên năm ba, đi theo giáo sư tham gia các hội nghị, thậm chí tôi còn lờ mờ thấy anh ta xuất hiện trên TV.
Mỗi lần nhìn thấy, bố mẹ tôi lại dùng giọng điệu châm chọc mà mắng mỏ:
“Cũng là con người, sao mày lại ngu hơn thằng Lâm nhiều thế hả?”
“Cả đời tao chẳng thua chú Lâm cái gì, chỉ có mày là làm tao mất mặt!”
“Mày làm tao không dám nhìn mặt dì Lâm mày nữa…”
Những lời này, tôi đã nghe suốt mười tám năm.
Bình tĩnh thu dọn hành lý, tôi một mình ra bến xe, xách vali, lên chuyến tàu đi đến trường đại học.
2
Tin tức về Lâm Du luôn được bố mẹ tôi truyền tải một cách chính xác, qua những lần họ mắng mỏ.
Bao gồm cả chuyện anh ta được giáo sư tranh giành, xuất bản mấy bài nghiên cứu… hay chuyện anh ta chỉ lật sách qua loa trước kỳ thi mà vẫn đứng nhất toàn khoa.
Lần đó, tôi đang trong thư viện ôn tập môn chuyên ngành.
Nhìn những dòng ghi chú chi chít trên sách, tôi chỉ cười nhạt, đặt khung chat vào chế độ “không làm phiền”, úp mặt điện thoại xuống bàn rồi tiếp tục học.
Năm tư, tôi chỉ kém một bậc, vuột mất suất học thạc sĩ.
Tối hôm ấy, mẹ tôi mất kiểm soát, chửi tôi suốt đêm.
Tôi cúp máy, bà lại gửi tin nhắn thoại gào khóc:
“Sao tao lại sinh ra cái đứa ngu si như mày chứ!”
“Vô dụng quá… Tao khổ quá mà!”
…
Sau đêm đó, tôi chặn liên lạc với bà, tìm một công việc ở thành phố cách nhà hàng ngàn cây số, rồi ba năm trời không trở về.
Kể cả vào dịp Tết.
Mỗi đêm giao thừa, tôi lại ngồi một mình trong căn phòng trọ, mở một bộ phim kinh điển, vừa uống cola vừa nghĩ không biết chương trình Tết năm nay có gì đáng xem không.
Giữa tôi và bố mẹ, ngoài việc chuyển tiền, chẳng có câu nào thừa thãi.
Rồi năm thứ tư cũng đến.
Đêm giao thừa, tôi xách túi đồ toàn lon coca về phòng trọ, nhưng lại nhìn thấy người mà tôi chẳng muốn gặp nhất – Lâm Du.
Giờ đây, anh ta đã là khách quen trên TV, là “con cưng” trong giới học thuật, danh xưng “thiên tài” luôn gắn bên người. Bộ vest chỉnh tề không làm giảm bớt chút nào sự chán ghét của tôi dành cho anh ta.
“Tìm tôi có chuyện gì?”
Yết hầu anh ta khẽ chuyển động, giọng nói hơi khàn:
“Sao không về nhà?”
Tôi nhíu mày nhìn anh ta, không hiểu chuyện này thì liên quan gì đến anh ta.
Thấy tôi không nói gì, ánh mắt anh ta tối đi, tiếp tục:
“Bố mẹ cậu nhớ cậu lắm…”
“Nếu không có chuyện gì, anh có thể đi trước rồi.”
Tôi mất kiên nhẫn đuổi khách: “Ở đây không chào đón anh.”
“…Tôi cũng rất nhớ cậu.”
Anh ta nói.
3
Tôi nghĩ anh ta điên rồi.
Tôi để anh ta vào nhà, rót một cốc nước đặt trước mặt, nghi hoặc hỏi:
“Anh có biết mình vừa nói gì không?”
Anh ta gật đầu:
“Bố cậu nói, nếu năm nay cậu về nhà, thì sẽ để hai chúng ta xem mắt… Nhưng cậu không về, nên tôi tự mình đến tìm.”
Tôi im lặng rất lâu, rồi nói:
“Tôi sẽ không xem mắt với anh, anh về đi.”
“Tại sao?”
Anh ta khó hiểu:
“Từ nhỏ đến lớn, cậu đều ghét tôi, rõ ràng tôi chưa từng làm gì có lỗi với cậu.”
“Ghét một người không cần lý do.”
Tôi nói: “Anh đi đi, đừng ép tôi phải đuổi anh ra ngoài.”
“Cậu lý trí chút đi…”
“Tôi rất lý trí, cũng rất tỉnh táo.”
Tôi ngẩng đầu nhìn anh ta, từng câu từng chữ đều rõ ràng:
“Tôi ghét anh, rất ghét.
“Lâm Du, mặc kệ bây giờ anh lợi hại thế nào, địa vị ra sao, xin anh ngay lập tức rời khỏi nhà tôi.
“Tôi vĩnh viễn không muốn gặp lại anh nữa.”
4
Lâm Du thích tôi, tôi biết.
Con người luôn nhạy cảm với thứ cảm xúc gọi là “thích”.
Hồi tiểu học, anh ta dạy kèm cho tôi, bất lực gõ nhẹ lên trán tôi, khẽ mắng: “Ngốc.”
Lên cấp hai, giáo viên khuyên anh ta nhảy lớp, anh ta lại tìm tôi, đứng trong gió lạnh hỏi:
“Cậu có muốn tôi nhảy lớp không?”
“Tôi…”
Tôi còn chưa nói xong, anh ta đã nhào tới ôm tôi một cái, rồi rất nhanh buông ra.
“Dù có nhảy lớp, chúng ta vẫn là bạn tốt nhất.”
Sau này, tin đồn về anh ta lan khắp trường cấp ba, nào là trốn học đánh nhau, nào là yêu đương với hoa khôi.
Tôi đều biết, nhưng không quan tâm.
Cho đến một ngày, anh ta xuất hiện trên đường tôi về nhà với khuôn mặt bầm tím, mắt đỏ hoe hỏi tôi:
“Lộ Lộ, tại sao cậu không hỏi tôi đã xảy ra chuyện gì? Cậu có phải không quan tâm tôi không? Tôi đau lắm…”
Ký ức bị cắt ngang.
Lâm Du đã rời đi, nhìn sắc mặt thì có vẻ tức giận không nhẹ.
Trước mặt tôi là cốc nước đã nguội lạnh, tôi rửa sạch nó, ngồi xuống ghế sofa, bật máy chiếu xem phim.
Nếu tôi đoán không nhầm, điện thoại lại đầy tin nhắn từ bố mẹ tôi.
Họ sẽ chửi tôi không biết điều:
“Lâm Du tốt như vậy, mày lại dám từ chối, mày nghĩ mày là ai?”
“Nó chịu cưới mày là phúc đức ba đời của mày đấy! Đồ vô dụng, mất nết! Ra ngoài làm đĩ không về nhà, tao nuôi mày uổng phí!”
“Tao thà rằng năm đó chưa từng sinh ra mày!”
…
Tôi bật cười.
Thật ra, tôi cũng thà rằng mình chưa từng được sinh ra.
5
Sau đêm giao thừa là mùng Một Tết, cũng là sinh nhật tôi.
Hồi nhỏ, mẹ tôi luôn nói:
“Trẻ con học kém thì không xứng đáng có sinh nhật.
“Phải giỏi như Lâm Du mới đáng để tiêu tiền mua bánh kem.”
Vậy nên trước năm mười tám tuổi, tôi chưa từng ăn một chiếc bánh sinh nhật nào.
Năm nhất đại học, tôi dùng tiền làm gia sư mua cho mình một chiếc bánh tám inch.
Ăn kem đến phát ngán, ôm thùng rác nôn thốc nôn tháo, nhưng vẫn cố nhịn, từng miếng từng miếng ăn hết sạch cái bánh.
…
Sáng sớm, khi đang rửa mặt, không hiểu sao tôi lại nghĩ đến những chuyện này, bỗng thấy buồn cười.
Nhìn người trong gương, tôi tự nhủ:
“Mọi chuyện đều đã qua rồi.”
Thu dọn xong, tôi ra tiệm bánh lấy chiếc bánh đã đặt trước.
Bánh được làm theo hình mẫu tôi gửi, phần đế tạo hình Doraemon, trông rất đáng yêu.
Ông chủ tiệm còn đùa: “Cậu có tâm hồn trẻ thơ ghê nhỉ.”
Tôi cười nhạt.
Xách bánh về nhà, trước cửa, tôi lại thấy người mà tôi không muốn gặp nhất.
Lâm Du.
“Sao lại là anh nữa?”
Tôi nhíu mày hỏi.
Anh ta mím môi, lấy từ túi áo ra một chiếc hộp nhỏ.
“Quà sinh nhật cho cậu.”
“Sao anh biết hôm nay là sinh nhật tôi?”
“Bố mẹ cậu nói cho tôi biết.”
Anh ta đáp: “Họ bảo tôi hãy ở bên cậu, vì cậu rất thích tổ chức sinh nhật.”
Tôi lặng lẽ nhìn chiếc hộp trong tay anh ta.
Bỗng thấy buồn cười.
Hóa ra họ biết tôi muốn có một sinh nhật.
Hóa ra họ biết tôi muốn một chiếc bánh.
— Hóa ra, tất cả những ấm ức tôi từng chịu, họ đều biết cả.
6
“So với tôi, có vẻ họ thích anh làm con của họ hơn.”
Tôi nói: “Chỉ để anh có thể đến tìm tôi, ngay cả chuyện tôi thích sinh nhật họ cũng có thể bịa ra.”
Anh ta mím môi, như thể đã hiểu ra điều gì đó.
“…Xin lỗi.”
“Mẹ cậu nói hai người chỉ là cãi nhau bình thường, tôi cứ nghĩ cậu sẽ muốn hàn gắn với họ.”
Giọng anh ta trầm xuống: “Sau này tôi sẽ không làm vậy nữa.”
Nhưng chiếc hộp nhỏ trong tay vẫn chưa được thu lại:
“Quà này là tôi muốn tặng cậu.
“Tôi tự tay đan một chiếc bùa bình an, muốn tặng cậu để chúc mừng sinh nhật.”
Tôi không nhận lấy.
“Tôi không cần. Anh đi đi.”
Tôi rất nghiêm túc, một lần nữa nói với anh ta:
“Lâm Du, tôi ghét anh, thực sự rất ghét.
“Xin anh, từ nay về sau, đừng đến làm phiền cuộc sống của tôi nữa.”
Tham gia bình luận ngay...
You must be logged in to post a comment.