01
Tôi giật mình tỉnh dậy.
Cảnh tượng trước mắt khiến tôi sững người.
Là… một phòng học.
Quạt trần trên đầu quay cọt kẹt, mang theo nỗi lo sợ quen thuộc – sợ nó sẽ rơi trúng đầu bất cứ lúc nào.
Tôi cúi đầu, nhìn bộ đồng phục quê mùa trên người mà thấy thân thương kỳ lạ, như thể nó từng ôm lấy tôi trong lòng.
Người bạn cùng bàn trước mắt nhìn thật quen, nhưng tôi lại không sao nhớ nổi tên.
Chỉ nhớ khi tốt nghiệp, bạn ấy từng vẽ một cái đầu heo trong sổ lưu bút của tôi.
Và viết: [Gửi cô bạn heo yêu quý, sau này nhất định phải làm bạn suốt đời nhé.]
Bạn ấy còn nghiêm túc để lại một số điện thoại bàn cố định.
Nhưng rồi không lâu sau đó, điện thoại bàn bị thời đại đào thải, tôi và cô ấy cũng dần dần mất liên lạc.
Hiện tại tôi vẫn còn hoang mang, chưa kịp hoàn hồn, liền hỏi: “Cậu là…?”
Bạn ấy cầm sách đập lên đầu tôi: “Tỉnh lại đi Tô Tiểu Quyên! Cậu bị gió quạt thổi ngu luôn rồi à? Không nhận ra tớ là ai à? Sắp vào tiết rồi, mau tỉnh dậy cho tớ!”
Nói rồi, hai tay bạn ấy chộp lấy mặt tôi, bóp thành một cái mỏ vịt ngộ nghĩnh.
Tô Tiểu Quyên?
Tôi cố gắng lục lại ký ức. Cái tên này sao mà… lạ quá.
Tôi đã từng rất ghét cái tên ấy.
Lúc nhỏ tôi cứ mè nheo đòi đổi tên, luôn nghĩ nếu mình có một cái tên văn nghệ, có lẽ sẽ trở nên thanh lịch, thời thượng hơn.
Thế là sau này, mẹ tôi chịu thua, đến khi tôi học cấp ba thì thật sự đổi tên cho tôi – thành Tô Phù Doanh.
Nhưng bây giờ…
Khoé mắt tôi đỏ hoe.
Cái tên ấy nghe sao mà thân thương.
Thân thương đến mức khiến tôi muốn bật khóc.
Bỗng tôi nhớ ra một chuyện, vội hỏi: “Năm nay là… năm bao nhiêu?”
Bạn ấy vỗ trán tôi cái “bốp”: “Không phải bị quạt thổi hỏng não rồi đấy chứ? Năm 01 chứ năm mấy nữa!”
2001.
Trái tim tôi như khựng lại một nhịp.
Tôi… vẫn còn mẹ!
02
“Ơ, chẳng phải bảo nhảy dây sao?”
Người bạn này tôi nhận ra, là Mỹ Mỹ, bạn thân của tôi hồi đó.
Bạn ấy còn chưa kịp kéo tôi lại, tôi đã vội vã xua tay: “Hôm nay tôi phải mau chóng về nhà, mẹ tôi gọi tôi về ăn cơm.”
Chỉ cần vài năm nữa thôi, tôi sẽ chẳng còn cơ hội được nghe câu “về sớm ăn cơm” ấy nữa.
Tôi đạp xe như bay, dùng hết sức lực như thể đang trễ giờ làm và phải phóng như điên trên chiếc xe đạp công cộng.
Tìm mãi mới lục được chìa khóa nhà từ trong cặp sách.
Thậm chí còn đứng trước cửa, phải nhìn thật kỹ xem cái nào mới là chìa khóa cửa chống trộm.
Vừa bước vào nhà, vẫn là dáng người quen thuộc ấy.
Mẹ tôi đang xào đồ ăn trong căn bếp cũ kỹ.
Tôi vứt cặp xuống liền lao tới ôm chầm lấy mẹ.
“Mẹ, con nhớ mẹ lắm.”
Thật sự, thật sự rất nhớ.
Bao nhiêu đêm tỉnh giấc giữa chừng, tôi mới nhận ra, cái giá của việc trưởng thành… là chẳng còn ai ở bên.
Trái tim tôi đau đến nghẹt thở.
Nếu chia ly là điều tất yếu, thì người ở lại phải sống thế nào đây?
Mẹ quay lại nhìn tôi: “Con phát điên gì thế? Lại thi giữa kỳ không được điểm tốt hả?”
Mẹ tôi lúc nào cũng có thể dạy dỗ tôi nửa tiếng đồng hồ.
Tôi ngồi ở bàn ăn, ánh nắng xuyên qua ô cửa sổ nhỏ rọi vào.
Trên lưng mẹ, một nửa sáng, một nửa tối – tôi chưa bao giờ thấy những lời cằn nhằn ấy lại cảm động đến thế.
Mẹ lải nhải mãi mà thấy tôi không phản ứng gì.
Quay đầu lại thấy tôi ngẩn người, mẹ cũng hết giận: “Đói rồi thì ăn đi, lát nữa vào phòng làm bài tập cho xong.”
Chết thật.
Tôi đúng là thèm được gặp lại mẹ.
Nhưng tôi không hề thèm mấy món mẹ nấu.
Thật sự… khó ăn vô cùng.
“Ơ mẹ, ba đâu rồi ạ?”
“Nhóc ranh, ba mày sáng sớm đã nói là đi nhậu rồi. Ăn hay không thì tùy!”
“Con ăn, con ăn mà…”
Vừa ăn, nước mắt tôi vừa lặng lẽ rơi xuống.
Dù có dở tệ… nhưng tôi đã mong được ăn nó suốt bao năm rồi.
Mẹ thấy tôi như vậy, cuối cùng cũng mềm lòng: “Dở cũng đâu cần khóc tới mức này? Thôi được rồi, đi ăn mì gói đi.”
Mẹ đứng dậy, lục trong bếp ra một gói mì khô Nam Phố: “Muốn ăn thì tự pha đi.”
Tôi ném gói mì lại vào bếp.
“Con không ăn mì đâu, con chỉ muốn ăn đồ mẹ nấu thôi.”
Mẹ vội vàng lau tay vào tạp dề, rồi đưa tay lên sờ trán tôi: “Sao thế này, không phải bị sốt rồi đấy chứ?”
Tôi cười, gỡ tay mẹ ra.
“Mẹ, con không bệnh. Con nói thật, con muốn ăn đồ mẹ nấu cả đời, mẹ nhất định phải sống lâu trăm tuổi đó.”
Xin lỗi mẹ.
Trước kia con cứ chê bai mẹ hoài.
Là con sai rồi.
Ba về nhà rồi.
Ông uống nhiều.
Nhưng vẫn nhớ mang đồ ăn về cho tôi.
Ba lôi từ túi áo ra một cái túi nilon, bên trong là một con cua.
“Con gái ngoan, hôm nay còn sót lại một con, ba mang về cho con, để mẹ con hâm lại cho nóng, ba đi băm ít gừng cho con nhé.”
Ba loạng choạng nhưng cái ông khoe không chỉ là con cua.
Mà là tình thương lộ liễu dành cho tôi – không chút giấu giếm.
03
Sau khi lớn lên, tôi mới hiểu — những món mà ba mẹ nói không thích ăn, nhiều khi là do họ nhường phần ngon lại cho con.
Họ luôn mượn cớ “ba không thích ăn”, “mẹ không thích ăn”, rồi lặng lẽ nhìn chúng tôi ăn ngấu nghiến từng miếng.
Ba tôi đi đứng loạng choạng, mẹ nhìn thấy là nổi cáu ngay: “Đã bảo bớt uống lại còn thế này? Về nhà lại nôn cho xem!”
Tôi kéo cái chậu to trong nhà vệ sinh ra ngoài: “Mẹ ơi, con dọn sẵn chậu rồi, ba có nôn cũng nôn vào đây.”
Lúc này, tôi lại thấy ông ba say rượu sắp nôn thật là… dễ thương.
Sau khi mẹ mất, ba tôi vẫn say rượu, nhưng không còn là người ba ngày xưa nữa.
Ba vẫn lẩm bẩm trong miệng: “Ba phải đi băm gừng…”
Nhưng ông vừa nằm lên sofa đã ngủ gục mất rồi.
“Mặc kệ, uống chết luôn cho xong.” Mẹ tức đến mức chẳng buồn nói nữa, nhưng vẫn đi lấy chăn phủ lên người ông.
Cuối cùng, mẹ xách con cua vào bếp.
Rất nhanh sau đó, vang lên tiếng dao băm gừng lách cách trên thớt.
Con cua được cho vào nồi.
Còn tôi nhìn dáng vẻ ba đang ngủ, quay sang càu nhàu với mẹ: “Mẹ ơi, ba ngáy to vậy mà mẹ cũng ngủ được hả?”
Mẹ bật cười: “Ban đầu thì không ngủ nổi, cứ phải đá ba dậy hoài. Sau này quen rồi, không nghe thấy lại… ngủ không được cơ.”
Tôi vừa nghe tiếng ba ngáy, vừa ăn cua đồng.
Có lẽ là giấm quá chua… tôi thấy mắt mình hơi cay cay.
Mẹ đột nhiên lên tiếng: “À đúng rồi, mẹ kể con nghe chuyện này, tranh thủ lúc ba con đang ngủ. Mẹ cũng muốn hỏi con thử xem sao. Bên chỗ làm của ba con có một cơ hội điều động công tác, phải ra Bắc Kinh, hơi xa một chút. Nhưng lương tăng kha khá, đãi ngộ các kiểu cũng tốt hơn. Con thấy thế nào?”
Bắc Kinh — xa đến nỗi mẹ tôi sống cả đời cũng chưa từng đặt chân tới.
Nhưng cũng gần đến mức… sau này ba đi công tác về hay mang bánh kẹo về cho tôi.
Rất lâu sau này, chỉ cần ăn bánh, tôi vẫn nhớ được… mùi vị của Bắc Kinh.
Tôi từng nghĩ, nhà ai mà chẳng giống nhà mình.
Mãi đến giây phút này, tôi mới nhận ra, tuy tôi mới chỉ học lớp Bảy, nhưng mẹ lại muốn bàn bạc với tôi về chuyện đại sự trong nhà.
Tôi thật sự… đã được yêu thương rất đàng hoàng.
Nhưng rồi tôi lại nhớ ra…
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi phải đối mặt với một cuộc chia ly.
Tôi chợt nhớ lại câu nói trong đầu lúc trước khi trọng sinh:
“Lớn lên là như thế nào nhỉ?”
Hồi đó, tôi còn non nớt lắm, không nỡ xa ba, nhất định không cho ông đi.
Ba tôi tuy luyến tiếc, nhưng vẫn thương tôi, cuối cùng đã từ bỏ cơ hội ấy.
Cổ họng tôi khô khốc.
Nếu… nếu có điều gì đó thay đổi, Vậy liệu mẹ có thể sống thêm không?
Tôi nuốt nước miếng, nghiêm túc nói: “Nếu ba muốn đi thì cứ đi đi. Lương cao thì sau này nhà mình có thể ăn nhiều thịt hơn mà.”
Mẹ mỉm cười, tưởng tôi chỉ là đứa con nít tham ăn, cái gì cũng nghĩ đến đồ ăn.
Tôi lại nói tiếp: “Mình cũng có thể đến thăm ba mà. Dù ba ở gần hay ở xa, ba vẫn luôn là người thân của mình.”
Nếu một cuộc chia ly ngắn có thể đổi lấy nhiều điều hơn, thì xin hãy tha thứ cho sự tham lam của tôi.
Tôi không biết kết cục có thay đổi được hay không, Nhưng tôi thật sự đã nhận ra…
Trong câu chuyện này, có những điều đang rất khác so với trước kia.
Chồng cũ của tôi.
Tôi gặp lại anh ta ở sân trường cấp hai.
Nhưng tôi hoàn toàn không hề có ấn tượng gì về chuyện này trong quá khứ, mà anh ta cũng chưa từng nhắc đến đoạn ký ức ấy.
Tham gia bình luận ngay...
You must be logged in to post a comment.