3
Tôi ôm đầu, ngồi ở hành lang suy nghĩ hồi lâu.
Nếu trong nhà có ông bà thì tốt rồi, như vậy dì tôi là người ngoài, tuyệt đối không có lý do để ở lại.
Đáng tiếc là bố tôi là trẻ mồ côi.
Nghĩ mãi nghĩ mãi, từ xa vọng lại tiếng trống hát tuồng, tôi đã có chủ ý.
Vài ngày sau vào lúc hoàng hôn, bố tôi nấu cháo xong, bày bát đũa lên bàn.
Tôi đi đến chiếc ghế mây, nghiêm trang ngồi xuống, bắt chước giọng mẹ tôi gọi: “Quảng Tài, anh lại đây, em có chuyện muốn nói.”
Bố tôi cầm đũa, đứng sững tại chỗ.
Một đứa trẻ tám tuổi không nên nói ra những lời già dặn như vậy.
Bố tôi sợ rồi.
Tôi thở dài, tiếp tục nói những lời đã suy nghĩ trước:
“Anh đừng sợ, em chỉ không yên tâm về con, mới quay về dặn dò anh vài câu.”
“Anh hãy mời bà Lư ở đầu thôn Đông về nhà. Bà ấy là hộ ngũ bảo, không con không cái, từ trước đến nay rất hợp với Tiểu Vân. Có bà ấy chăm sóc, Tiểu Vân có thể lớn khôn.”
Bố tôi run rẩy nói: “Bà ấy chưa chắc đã đồng ý đâu, mọi người không phải cùng họ mà.”
Nhà tôi họ Mạnh, bà Lư họ Lư, hai họ này mười mấy năm nay vẫn thường xảy ra mâu thuẫn.
Nhưng bà Lư là người ngay thẳng nhiệt tình, được mọi người trong thôn kính trọng, bà ấy lại đặc biệt thích tôi, không có ai tốt hơn bà ấy.
Tôi giơ tay lau mắt.
Trong nháy mắt, nước mắt lấp lánh:
“Vậy thì anh hãy quỳ xuống, thành tâm thành ý dập đầu cầu xin bà ấy, cứ nói rằng người đã chết này cũng cầu xin bà ấy.”
“Bà ấy là người dễ mềm lòng nhất, sẽ đồng ý thôi.”
“Còn em gái em, đó là một đứa mặt dày lòng dạ độc ác, còn độc hơn cả rắn rết. Từ nhỏ em đã chịu không ít thiệt thòi vì nó, lúc còn sống em đã không qua lại với nó. Sau này không được để nó bước vào nhà chúng ta.”
“Anh hứa với em những lời này, dưới suối vàng em sẽ phù hộ cho anh và con.”
Bố tôi cứng đờ cả người, chỉ có đầu là gật lia lịa như mổ thóc.
Bố tôi lau mồ hôi trên trán, cẩn thận nói: “Anh nhớ rồi, Thục Trân. Con còn nhỏ, sức khỏe yếu, em…”
Bố tôi muốn mẹ tôi rời đi.
Mặc dù lúc còn sống rất ân ái nhưng một khi âm dương cách biệt, bố tôi chỉ còn sợ mẹ tôi.
Nói nhiều sẽ hỏng việc, không đợi bố tôi nói hết, tôi nhắm mắt lại, nghiêng đầu, ngã vật ra ghế.
Bố tôi đi tới, đưa ngón tay ra dò hơi thở của tôi.
Tôi kiên nhẫn nhắm mắt lại.
Bố tôi bế tôi ra khỏi cửa, chạy một mạch.
Vào đến nhà bà Lư, bố tôi kể lại đầu đuôi sự việc.
Bà Lư ôm tôi vào lòng, sờ tay tôi, lại dùng má chạm vào trán tôi.
Một lúc sau, bà ấy an ủi: “Quảng Tài, đừng lo, con bé không sao, ngủ một lát là khỏe thôi. Dù sao cũng là mẹ ruột của nó, sẽ không hại nó đâu.”
Bố tôi lại nói mời bà Lư về nhà chúng tôi ở.
Bà Lư đồng ý chăm sóc tôi nhưng không chịu về nhà chúng tôi ở.
Bà ấy khó xử nói: “Tiểu Mạnh, từ xưa đã có câu, bảy mươi không ở lại, tám mươi không ở nhờ, chín mươi không ngồi lại.”
“Người già phải tự biết mình. Tôi cũng sắp bảy mươi tuổi rồi, mặt dày ở lại nhà anh, người ta sẽ chỉ trích tôi. Một ngày nào đó tôi nhắm mắt xuôi tay, hai chân duỗi thẳng, sẽ là phiền phức lớn của các anh. Tôi tự chết ở đây, cán bộ thôn sẽ không mặc kệ đâu.”
Bố tôi quỳ xuống, liên tục dập đầu.
Bố tôi kiên quyết nói: “Bà Lư, nếu bà không chê, tôi nhận bà làm mẹ nuôi.”
“Xin bà chăm sóc con bé đến khi trưởng thành, đến ngày bà về trời, tôi sẽ cầm gậy đưa tang bà, Tiểu Vân sẽ cầm đèn dẫn đường cho bà. Sau này chúng ta là một nhà.”
Bố tôi nói rất chân thành.
Bà Lư sờ trán tôi, nhẹ nhàng lau nước mắt trên khóe mắt tôi, thở dài: “Thật đáng thương!”
Bà ấy đồng ý rồi.
4
Bố tôi rất vui, để tôi ở lại nhà bà Lư, còn mình thì chạy về dọn dẹp nhà cửa.
Bà Lư hầm một bát trứng gà, rưới dầu mè lên.
Mùi thơm của dầu kích thích cơn thèm ăn, tôi lén nuốt nước bọt.
Bà ấy nói: “Tỉnh rồi à? Dậy ăn trứng gà đi.”
Tôi ngồi bật dậy: “Bà, sao bà biết cháu tỉnh rồi?”
Bà ấy mỉm cười: “Hai mí mắt cứ động đậy mãi.”
Tôi lập tức hiểu ra, trò vờ vịt này của tôi, bà ấy nhìn rõ mồn một, chỉ là không vạch trần thôi.
Mùa đông năm ngoái, bà Lư sang thôn bên xem hát, đi ngang qua nhà tôi, bà ấy dừng lại nói chuyện với mẹ tôi.
Hai người là bạn thân từ thời trẻ, tình cảm rất tốt. Mẹ tôi làm món gì ngon, đều nhớ mang sang cho bà Lư một bát.
Hai người cách trứ hàng rào nói chuyện, tiếng trống lại vang lên.
Bà Lư miệng còn đáp lại, chân đã vô thức bước ra ngoài, đúng là một người mê hát.
Mẹ tôi tiễn bà ấy đi xa, ngẩng đầu nhìn trời, u ám.
Mẹ tôi suy nghĩ một lúc, từ dưới tạp dề lấy ra một ít tiền, bảo tôi nhanh chóng đi theo, dưới sân khấu có rất nhiều quầy hàng ăn ngon.
Tôi chạy theo bà Lư.
Bà ấy nắm tay tôi, nói với tôi: “Mẹ con là người tốt, sợ bà già cô đơn này ngã trên đường không ai biết nên để con đi cùng bà.”
Tiếng trống thúc giục bước chân chúng tôi, đi mãi đi mãi, cuối cùng cũng đến nơi.
Trên sân khấu đã bắt đầu diễn, dưới sân khấu có rất nhiều người.
Tôi chen đến quầy hàng, mua hai hào kẹo bỏng, cầm trên tay, nhai rôm rốp.
Hôm nay có một đoạn diễn thần thần bí bí, rất hay.
Nhưng tiết mục tiếp theo lại là bi kịch, hát mãi không dứt.
Tôi nhanh chóng chán, đứng ở hậu trường chơi.
Có một chị gái rất thích tôi, đưa cho tôi một viên kẹo, tôi đứng bên cạnh xem chị ấy trang điểm, hỏi đủ thứ, hỏi chị ấy khi diễn không khóc được thì phải làm sao.
Chị gái chớp mắt nói: “Thì tôi giấu sẵn một ít hạt ớt đỏ trong kẽ tay.”
Tôi nửa tin nửa ngờ nhưng vẫn nhớ câu nói này.
Hôm đó nghe thấy tiếng trống, tôi liền nhớ ra tất cả.
Vì vậy, tôi bắt chước theo câu chuyện trong vở kịch, mạnh dạn giả thần giả quỷ một phen.
Cứ như vậy, tôi đã thành công tìm lại được một bà ngoại.
5
Có câu nói, một lần bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng.
Tôi sau khi được tái sinh thì vô cùng quý trọng mạng sống.
Trời vừa tối, tôi ngoan ngoãn ở nhà với bà Lư, không đi đâu cả.
Đi học về, tôi cũng bám sát theo anh chị quen thuộc trong đội, tuyệt đối không đi một mình.
Dì tôi lén lút đến cửa nhà nhìn trộm, nói chuyện với bà Lư, hỏi bố tôi đi đâu làm ăn.
Bà Lư mặt lạnh như tiền, không thèm nhìn dì tôi.
Dì tôi lẩm bẩm: “Lại không phải bà ruột, làm gì mà ra vẻ thế?”
Thấy không ai để ý đến mình, dì tôi đành cười trừ bỏ đi.
Không lâu sau, dì tôi lại bất ngờ gặp may.
Có một thương nhân phương Bắc đến đây thuê đất trồng kê đầu, béo tốt, sợi dây chuyền vàng hoảng mắt người khác.
Hai người nhanh chóng câu đáp nhau.
Tan học, tôi thấy dì tôi đứng ở cổng trường từ xa.
Dì tôi tô mặt trắng bệch, tô son đỏ chót, mặc áo khoác lông.
Thấy tôi đi ra, dì tôi vẫy tay cười nói: “Tiểu Dung, lại đây, dì mua cho con ăn xiên nướng.”
Tôi lập tức quay đầu, chạy mất dép.
Ai dám ăn xiên nướng của bà, biết đâu lại dùng que xiên vào mắt tôi.
Sau đó nghe các bạn nói, dì tôi phất tay một cái, mua hết xiên nướng ở quầy hàng trước cổng trường.
Những đứa trẻ đi ngang qua chỉ cần đưa tay ra là có đồ ăn.
Dì tôi vừa đưa xiên nướng vừa nói:” Sau này các con chơi với Trân Trân, còn có đồ ngon ăn nữa.”
“Lần trước có phải con mắng Trân Trân không? Không mắng à? Được, vậy dì cho thêm một xiên.”
Trân Trân ở bên cạnh hét lên: “Cô ta mắng rồi, đừng cho cô ta!”
Hai mẹ con họ làm trò hề.
Bà ba không vui, chạy đến nhà tôi, tức giận nói: “Triệu Hồng Mai cả ngày ăn mặc lòe loẹt, sợ người khác không biết bà ta làm tiểu tam.”
Bà ấy còn học lại những lời xấu xa mà dì tôi nói cho chúng tôi nghe:
“Đứa trẻ Tiểu Vân này không có lương tâm, mẹ nó vừa mất, đến cả dì ruột như tôi cũng không nhận. Tôi tốt bụng mua đồ ăn cho nó, nó như nhìn thấy ma, chạy mất dép.”
“Chắc là sợ bệnh thủy đậu của Trân Trân lây sang nó, đến cả em gái cũng không nhận.”
Thực ra Trân Trân sắp khỏi rồi, thật khiến người ta đau lòng.
Bà Lư dạy nó thế nào vậy? Chẳng lẽ không phải cháu ruột thì chiều hư nó? Ôi trời ơi, sau này lớn lên, ai dám lấy chứ?
Bà ba nói xong, rất chú ý quan sát sắc mặt của bà Lư.
Mọi người đều biết bà Lư thời trẻ tính tình nóng nảy, không ưa những kẻ nói xấu sau lưng mình.
Nhưng bà Lư lại mỉm cười, không hề tức giận:
“Tiểu Vân nhà tôi tốt bụng, giúp nó tiết kiệm tiền, là một đứa trẻ hiểu chuyện.”
“Chẳng lẽ lại giống như con mèo tham ăn, ăn vụng chút tiền không biết nó moi ở đâu ra?”
Dì tôi mời mấy đứa trẻ kia ăn không phải là vô cớ.
Tôi đạt giải nhất cuộc thi viết văn toàn huyện, trong lễ chào cờ được hiệu trưởng khen ngợi trước toàn trường.
Trân Trân ngồi dưới sân khấu mặt mày u ám, hôm đó đã ra tay với tôi.
Tan học, tôi đang đi trên đường thì đột nhiên Mạnh Cường cùng thôn đuổi theo, ném thứ gì đó vào gáy tôi.
Thứ đó “Bốp” một tiếng nổ tung, tỏa ra mùi thuốc nồng nặc.
Cơn đau rát bỏng lan lên sau lưng.
Là pháo, cậu ta đã châm pháo rồi ném vào trong áo tôi.
Tôi không khóc, lạnh lùng nhìn về phía trước.
Mạnh Cường chạy đến trước mặt Trân Trân, Trân Trân cười khinh bỉ, móc ra một nắm kẹo đủ màu sắc, tung ra ngoài.
Mạnh Cường cong mông nhặt trên mặt đất.
Tết sắp đến, nhiều nhà đã mua pháo đỏ từ trước, có những cậu bé nghịch ngợm, lén lút tháo một ít từ trên pháo mang đến trường chơi. Trân Trân vì thế mà nghĩ ra được kế độc này.
Về đến nhà, bà Lư cẩn thận cởi áo cho tôi, bôi chút thuốc.
Dặn tôi ăn cơm tối, bà liền ra ngoài.
Tôi ngồi dưới đèn viết một trang chữ mới, bà Lư đã về.
Bà Lư vuốt tóc tôi: “Yên tâm, Mạnh Cường không dám bắt nạt con nữa đâu.”