09
Tôi có một biệt danh không mấy hay ho, gọi là “Thỏ Thỏ”.
Không phải kiểu “Thỏ Thỏ” ngoan ngoãn dễ thương đâu, mà là kiểu khi chạy, “Thỏ Thỏ” trước ngực tôi nhảy lên nhảy xuống.
Lần đầu tiên tôi cảm thấy tự ti về vòng một của mình là trong tiết thể dục khi giáo viên yêu cầu chúng tôi luyện chạy 800 mét.
Tôi là nhóm cuối cùng xuất phát.
Khi tôi bắt đầu chạy, trước vạch đích đã có rất đông bạn cùng lớp đứng đó.
Trong mắt tôi lúc đó chỉ có vạch đích, nên hoàn toàn không chú ý đến những bạn đứng trước vạch – cả nam lẫn nữ – đều đang cười nghiêng ngả.
Khi tôi vừa dừng lại, Chu Binh Học – người chẳng mấy khi tiếp xúc với tôi – đã chạy đến, làm động tác khoa trương: “Hứa Yên, tôi đặt cho cậu một biệt danh là ‘Thỏ Thỏ’ nhé!”
“Chính là ‘Thỏ Thỏ’ nhảy tưng tưng khi chạy ấy!”
Ban đầu, tôi không hiểu ý cậu ta, nhưng ánh mắt ướt át của cậu ta cứ lướt xuống dưới. Những tiếng cười chế nhạo từ các bạn khác vang lên.
Như một tia sáng lóe lên, tôi lập tức nhận ra cậu ta đang nói gì, liền đẩy cậu ta một cái thật mạnh.
Những lần bị bắt nạt đầu tiên, thực ra, chỉ bắt đầu từ một biệt danh đơn giản như thế.
Ngày hôm sau, trên bàn học của tôi xuất hiện đầy những lời nhắn bậy bạ.
Trong lớp học yên tĩnh trước giờ học, tôi đứng dậy nhìn quanh, liền bắt gặp ánh mắt trâng tráo của Thường Diễm Diễm nhìn tôi.
Bạn cùng bàn của tôi, Hứa An Nha, nhẹ kéo tay áo tôi, thì thầm: “Là Thường Diễm Diễm viết đấy, mọi người đều thấy, nhưng không ai dám nói.”
“Nghe nói cậu ta với Chu Binh Học đang yêu nhau. Cậu ta nói cậu hôm qua chạy là đang quyến rũ Chu Binh Học.”
Nếu câu đầu tiên của cậu ấy khiến tôi cảm thấy vô lý, thì câu tiếp theo lại làm tôi bối rối vô cùng.
“Tớ… tớ có mặc áo ngực mà!” Tôi giải thích.
“Không phải áo ba lỗ!” Cậu ấy hạ giọng hơn: “Là áo ngực! Áo ba lỗ không đỡ được! Mẹ cậu không dạy cậu à?”
“Tớ…” Mặt tôi đỏ bừng hơn, “Tớ sẽ thử…”
Thật ra, cơ thể phát triển của mình, làm sao tôi không tự nhận ra từ sớm?
Từ lâu, tôi đã cảm thấy áo ba lỗ của mình hơi chật rồi. Tôi đã từng ngập ngừng nói với mẹ rằng tôi cần một chiếc áo ba lỗ có mút lót.
Nhưng vừa nói xong, mẹ đã cau mày, nghiêm giọng: “Tiền, tiền, tiền! Nhà này chỉ có từng ấy tiền, nuôi cả hai đứa các con, các con không biết tiết kiệm à? Muốn bố mẹ uống gió Tây Bắc mà sống sao?”
Nhưng chỉ là 10 đồng thôi. Áo ba lỗ ở chợ đầu mối nhiều nhất cũng chỉ 10 đồng. Hơn nữa, mẹ còn nói “cả hai đứa các con,” nhưng thực ra tôi đã nửa năm rồi không có tiền tiêu vặt ngoài tiền ăn cơm.
Trước khi Giang Nồng đến, mỗi tuần tôi được 10 đồng tiền tiêu vặt, ít nhất cũng có thể mua quà vặt như bánh snack hay mì tôm ăn liền.
Sau khi Giang Nồng đến, dường như mẹ đã quên luôn tôi vậy.
Mẹ mua cho Giang Nồng quần áo đẹp, còn đăng ký cho cô ta các lớp học năng khiếu… Trước đây tôi cũng có lớp học năng khiếu. Nhưng đúng vào tháng mẹ đăng ký lớp cho Giang Nồng, tiền lương bố mang về lại không được nhiều.
“Yên Yên, mẹ thấy con biết bơi rồi, hay tạm nghỉ một thời gian nhé? Nhường cho Nồng Nồng chút đi.”
Mẹ nói: “Nồng Nồng vừa mới đến nhà mình, coi như con cảm thông cho mẹ, mẹ cũng khó khăn lắm.”
Nhưng tôi không ngờ, sự “nhường nhịn” đó kéo dài suốt ba năm trời. Từ lớp học thêm, đến phòng của tôi, đến ngôi nhà của tôi, cuối cùng, ngay cả tiền mua áo ba lỗ cũng phải nhường đi.
Mẹ không đưa tôi đi mua áo ba lỗ mới. Thế là tôi tự học cách tiết kiệm tiền ăn sáng để tự mua.
Bà chủ chợ đầu mối không cho thử đồ, tôi cũng không có kinh nghiệm trả giá. Chiếc áo tôi mua về hơi chật, khi tôi quay lại, người bán không chịu đổi.
Nhưng không sao, vẫn tốt hơn chiếc cũ. Thế nhưng, mặc được ba năm, dây áo cũng giãn ra, không còn vừa với cơ thể đang phát triển của tôi.
Tôi cứ nghĩ là mình cần một chiếc áo ba lỗ mới.
Nhưng không ngờ, thì ra, đã đến lúc tôi cần một chiếc áo ngực.
10
“Con sao không nói với mẹ?”
Mẹ ngắt lời tôi và bắt đầu nói không ngừng, như muốn che giấu điều gì đó: “Con trách mẹ không để ý đến sự phát triển của con à? Nhưng con chỉ đòi áo ba lỗ, mẹ làm sao biết con cần áo ngực? Mẹ còn phải đi làm, còn phải lo cho cuộc sống của hai đứa.”
“Tất cả mọi người đều trách mẹ, nhưng mẹ dễ dàng gì? Mẹ phải chăm sóc hai đứa nhỏ dễ dàng lắm sao?”
“Mẹ không có thời gian đoán xem các con muốn gì. Bố con thì vô tâm, con thì im lặng, chẳng nói với mẹ…”
“Mẹ.” Tôi bình tĩnh lại: “Con đã nói với mẹ rồi, nhưng là mẹ quên mất.”
“Con đã nói với mẹ rằng, con bị bạn bè trêu chọc và bắt nạt ở trường. Nhưng mẹ nói con nhạy cảm quá.”
“Con yêu cầu mẹ đến trường để bảo vệ con, mẹ cũng cười nhạo. Con nói con cần một chiếc áo ngực, mẹ lại bảo con là đồ trẻ con mà đòi làm người lớn, chỉ biết làm đẹp chứ không lo học hành.”
“Mẹ ném cho con 100 đồng, bảo đủ để mua ba cái áo, rồi kêu con tiện thể ghé chợ đầu mối mua. Nhưng khi con vào phòng lấy đồ, con tình cờ thấy Giang Nồng đang thay quần áo.”
“Mẹ ơi, những chiếc áo ngực vừa vặn, trông có vẻ rất đắt tiền trên người Giang Nồng, là ai mua cho cô ta?”
“Hôm đó, Giang Nồng còn hỏi con tại sao không gõ cửa trước khi vào phòng. Nhưng mẹ nói xem, tại sao con vào chính phòng mình lại phải gõ cửa?”
“Mẹ lúc nào cũng bảo con phải nhường Giang Nồng. Con đã nhường mẹ cho cô ta, nhường cả phòng của con, nhường mọi thứ… Mẹ còn muốn con nhường đến mức nào nữa? Đến bao giờ thì đủ?”
“Chị Hứa Yên …” Giang Nồng đứng bên cạnh, nước mắt chực trào.
Có lẽ cô ta không ngờ rằng ngọn lửa này cuối cùng cũng thiêu đến mình.
“Hứa Yên, chị nghĩ về em như vậy sao? Cô đối xử tốt với em, đó là do em đổi lại bằng tấm lòng chân thành. Còn chị thì sao? Chị đã bao giờ thương cô chưa? Gần đây cô còn bạc cả tóc, chị có thấy không?”
“Hứa Yên, em đã không còn mẹ nữa, chẳng lẽ ngay cả chút tình thương từ cô cũng không được sao?”
Thật ra, tôi chưa bao giờ để ý đến cô ta. Mặc dù mẹ thiên vị, nhưng đôi khi mẹ nói không sai, rằng Giang Nồng không có bố mẹ, nên cảm giác bất an khiến cô ta cố bám lấy bất kỳ sự ấm áp nào.
Vì vậy, dù cô ta đôi lúc cố tình chia rẽ tôi và mẹ, chuyển hướng sự chú ý của mẹ…Nhưng tôi biết rằng, người thực sự quyết định mọi chuyện vẫn là bố mẹ.
Đáng tiếc là, bố thì vô tâm, thỉnh thoảng cũng phàn nàn mẹ chi tiêu quá nhiều cho Giang Nồng, nhưng chỉ cần mẹ giận dỗi một chút, mọi chuyện lại bỏ qua.
Còn mẹ tôi, nhiều lần tôi đã tự hỏi, liệu mẹ có thực sự chỉ là thiên vị, hay bà chỉ đơn giản là ghét tôi.
Nếu không, làm gì có chuyện một người mẹ bỏ rơi con ruột mà đi thương yêu con người khác?
Nhưng dù tôi không muốn giao tiếp với Giang Nồng, cô ta cũng không có quyền đứng trên cao mà phán xét tôi.
“Giang Nồng, em thử nói xem, tình thương mẹ dành cho em có ít ỏi chút nào không? Nhà mình không nhiều tiền, chỉ đủ cho một người học thêm, mẹ bảo chị học giỏi rồi, nhường cho em có sao đâu.”
“Em muốn học piano, vì phí nội trú của trường rẻ, mẹ đẩy chị vào ký túc xá, còn em thì ở nhà vì em bất an.”
“Bao nhiêu năm họp phụ huynh, mỗi năm bốn lần, mẹ đều đi dự của em. Ngay trong cùng một trường, mẹ cũng chẳng thèm lên lầu nhìn chị một cái, vì mẹ nói với bạn em rằng mẹ là mẹ em, sợ chị vô ý làm lộ, sợ tổn thương trái tim yếu đuối của em.”
“Trong thời gian đó, nếu mẹ chỉ xuất hiện một lần… Nếu mẹ chỉ một lần bảo vệ chị!”
“Nhưng bây giờ, em lại nói chị không thương mẹ? Em nói xem, một người lúc nào cũng lo sợ bị bạn bè chửi mắng thì còn tâm trí đâu để thương mẹ?”
“Mày nói gì vậy?” Mẹ lập tức chắn trước mặt Giang Nồng: “Cả thế giới đều sai với mày à?
“Mày có bao giờ tự nghĩ xem mình thế nào không? Sao ai cũng ghét mày? Sao ai cũng không ưa mày?”
Tôi im lặng.
Tôi biết, lúc này dù tôi có nói gì, mẹ cũng không nhận ra những gì bà từng làm sai. Trong suốt bốn năm, bà chưa bao giờ nhận ra.
Tôi không ngờ, có người sẽ đứng ra bảo vệ tôi.
“Bà còn dám xưng mình là mẹ à?” Triệu Điềm đá mạnh vào chân mẹ tôi.
Cả phòng giáo viên lập tức ồ lên.
Mẹ tôi như tìm được chỗ để trút giận, liền tát trả lại.
“Gọi người! Gọi người đi!!” Cô giáo chủ nhiệm cuống cuồng gọi điện thoại: “Gọi bảo an không được thì gọi bác bảo vệ cổng trường vào! Nhanh lên! Họ đánh nhau rồi!!”
11
Cuối cùng, mọi chuyện cũng được giải quyết.
Là nhờ thầy chủ nhiệm khối lớp 8 ra mặt can ngăn mẹ tôi.
Thật ra, thầy ấy không cản được Triệu Điềm.
Nhưng khi nhìn thấy bà ấy, thầy liền sững lại:
“Triệu Điềm?” thầy gọi.
Ngay lúc đó, bà ấy đột ngột cứng đờ. Bàn tay đang nắm tóc mẹ tôi của bà từ từ thả xuống. Bà đứng yên lặng, cúi đầu, không nói một lời.
Mãi đến khi thầy chủ nhiệm gọi tên bà một lần nữa: “Cô Triệu.”
Từ miệng bà ấy phát ra một tiếng nhỏ đến mức gần như không thể nghe thấy: “Thầy…”
Mẹ tôi định nói gì đó, vẻ mặt kiêu ngạo trong giây lát. Nhưng khi Giang Nồng kéo tay áo mẹ, bà chỉ im lặng, nhẫn nhịn.
Cũng phải thôi.
Bà có thể vô tư la hét, làm ầm ĩ trước mặt cô giáo chủ nhiệm của tôi, nhưng không thể để hình ảnh của mình bị hủy hoại trước mặt thầy chủ nhiệm của Giang Nồng.
Vậy mà, Giang Nồng vẫn có thể thản nhiên nói rằng mẹ không thiên vị.
Mẹ tôi vốn định báo cảnh sát. Bà bảo rằng mình chỉ đang dạy con gái, nhưng Triệu Điềm lại tấn công bà.
“Bà báo thì tôi cũng báo.” Tôi nói: “Tôi sẽ tố bà tội bạo hành gia đình.”
“Cái đồ ăn cây táo, rào cây sung!” Mẹ tôi bật khóc to: “Mày không có lương tâm à!”
Dĩ nhiên, nhà trường không thể để mọi chuyện đến mức báo cảnh sát. Cuối cùng, hai bên thỏa hiệp, quyết định giải hòa.
“Hứa Yên, dù với bất kể lý do là gì, việc em lừa dối nhà trường và phụ huynh đã là sự thật. Nhà trường quyết định tạm đình chỉ học 7 ngày để em về nhà suy ngẫm.” Thầy chủ nhiệm khối nói.
Mẹ tôi dẫn tôi ra về. Bà đi trước, Giang Nồng khoác tay bà, vừa đi vừa nói cười vui vẻ.
Khi tôi bước qua cửa, bất giác quay đầu lại. Triệu Điềm vẫn đứng cạnh thầy chủ nhiệm khối, đôi mắt bà đã đỏ hoe.