Hôm nay là sinh nhật tôi.
Tôi muốn mua chiếc dây chuyền đã để ý từ lâu, nhưng vì không đủ tiền, tôi bị nhân viên bán hàng chế nhạo.
“Chọn tới chọn lui, chọn kiểu rẻ nhất mà cũng không mua nổi.”
“Phí thời gian của tôi.”
“Cô ta không biết đã đến đây bao nhiêu lần rồi.”
Các nhân viên thì thầm to nhỏ với nhau, nhưng âm thanh lớn đến mức khiến người ta không thể làm ngơ.
Trong chốc lát, mặt tôi nóng bừng lên, cảm giác xấu hổ không nói thành lời ập đến.
Tiền của tôi bỗng dưng biến mất chỉ sau một đêm, đến nỗi số dư cộng lại cũng không đủ hai nghìn.
Không cần nghĩ, tôi cũng biết là ai.
Người có thể động vào tiền của tôi, chỉ có mẹ tôi.
Tôi cố nén cơn giận đang bùng lên, chạy về nhà chất vấn mẹ.
Thế nhưng, mẹ lại tươi cười rạng rỡ, còn dùng giọng điệu đầy thán phục khoe với tôi.
“Chú con giỏi lắm, có người trả năm vạn để mua tảng đá này đấy!”
Hòn đá trong tay mẹ tôi trông chẳng khác gì những thứ nhặt được ngoài đường.
Thế nhưng bà lại xem nó như báu vật.
Góc tường còn chất đống mấy viên đá vỡ vụn.
Tôi đá chúng tán loạn khắp nơi.
Nhìn những viên đá này, tôi không hiểu sao lại thấy bực mình.
Cha dượng từ lúc tôi vào nhà đã phớt lờ tôi, bỗng dưng hét lên như thể ai vừa đá trúng điểm yếu của ông ta.
Ông quỳ sụp xuống đất, vội vã nhặt lại những viên đá.
Nhìn cảnh đó, trong lòng tôi bức bối, không kìm được mà hét lên.
“Lời này mẹ đã nghe bao nhiêu lần rồi, ông ta từng bán được lần nào chưa?”
Mẹ tôi vội vàng biện hộ cho ông ta: “Trước đây là có người ganh tị với chú con, muốn chơi xỏ ông ấy, lần này chắc chắn không vấn đề gì.”
Sự ngây thơ, cố chấp và thiếu hiểu biết của mẹ khiến tôi nhiều lần cảm thấy mệt mỏi.
Tâm trạng tôi nặng nề, sắc mặt tất nhiên không tốt.
Thế mà mẹ lại nghĩ mình bị oan ức, vô thức nâng cao giọng, dùng tư cách người mẹ để áp chế tôi.
“Đến lúc bán được đá, mẹ sẽ trả lại con, gấp gì chứ.”
“Chúng ta chẳng phải cũng chỉ vì con hay sao.”
Mẹ tôi từ trước đến nay luôn thẳng thắn, nói ra những lời này cũng chẳng suy nghĩ gì.
Nhưng người nói vô tâm, người nghe lại có lòng.
Cơn giận quẩn quanh trong lòng tôi, mãi không tan.
Cuối cùng hóa thành từng mũi kim nhọn, khiến n.g.ự.c tôi nhói đau từng hồi.
“Nếu ông ta giỏi như vậy, sao còn phải ăn trộm tiền của con để trả nợ?”
“Kêu ông ta bán thêm vài viên đá chẳng phải xong rồi sao?”
Tôi chưa bao giờ lớn tiếng như vậy với mẹ.
Dù bà có làm tôi tức đến nghẹt thở, mất ngủ cả đêm.
Nhưng đây là toàn bộ số tiền tôi tích góp từ khi tốt nghiệp.
Thậm chí còn là tiền cứu mạng của tôi.
Chỉ trong một đêm, nó không còn nữa.
Bảo tôi làm sao không tức được đây?
Đối mặt với chất vấn của tôi, khí thế của mẹ bỗng dưng yếu đi: “Người ta nói đợi hai ngày nữa sẽ chuyển tiền cho chú con.”
Để che giấu sự chột dạ của mình, bà nắm lấy tay tôi: “Coi như mẹ xin con, được không?”
“Số tiền này coi như mẹ vay con, sau này mẹ làm trâu làm ngựa, có khổ đến c.h.ế.t cũng nhất định trả lại cho con.”
“Tất cả là do mẹ vô dụng.”
Bà không ngại quỳ xuống trước mặt tôi: “Nếu con không giúp mẹ, mẹ sẽ c.h.ế.t mất.”
Tôi muốn nói, tiền mất rồi, người sắp c.h.ế.t chính là tôi.
Nhưng ngay lúc đó, lòng tôi như nước chết, cổ họng như bị dòng dung nham bỏng rát làm tổn thương, tuyệt vọng đến mức không thốt nên lời.
Cửa không đóng.
Hàng xóm qua lại chỉ trỏ, bàn tán.
Tôi giống như một đứa con bất hiếu, đại nghịch bất đạo, bị lột trần giữa chốn đông người để chịu sự sỉ nhục.
“Nếu tôi sinh ra một đứa con bất hiếu như vậy, đánh c.h.ế.t luôn cho xong, còn xin xỏ làm gì.”
Nhưng tôi có sai không? Tại sao người bị chỉ trích lại là tôi?
Cơ thể tôi như bị sức nặng vô hình đè nén, bất cứ lúc nào cũng có thể gục ngã.
Tham gia bình luận ngay...
You must be logged in to post a comment.