1
Năm ta mười ba tuổi, qua lời mai mối, phụ thân đưa ta đến thôn Đại Miếu, gả vào nhà họ Bùi.
Nói dễ nghe thì gọi là “đính thân”, nói khó nghe thì chính là “bán nữ nhi”.
Nhà họ Bùi đưa năm lạng bạc, phụ thân ta vui mừng khấp khởi cầm lấy, rồi lại đi thẳng lên sòng bạc trên huyện.
Bùi gia có thẩm thẩm thân thể yếu nhược, Đại lang cũng bệnh tật triền miên, trong nhà còn có tiểu cô ba tuổi cùng thái mẫu tuổi cao sức yếu.
Bọn họ mua ta về, một là để làm dâu cho Đại lang, đợi ta cập kê sẽ chính thức gả cho hắn, hai là để có người giặt giũ, nấu nướng, chăm sóc cả nhà già yếu bệnh tật.
Nhà họ Bùi ở huyện Vân An từng là một hộ khá giả.
Bùi lão gia hồi trẻ gánh dầu đi bán khắp nơi, siêng năng cần mẫn, sau này còn sang Dự Châu bái sư học nghề làm đậu hoa.
Tay nghề vững vàng, ông trở về mở sạp bán trong huyện thành, vài năm sau còn dựng được cửa hàng, buôn bán phát đạt đến mức thuê cả *hỏa kế.
(*hỏa kế: người làm thuê trong cửa hàng)
Nhưng rồi ông mắc bệnh qua đời.
Bùi thẩm sinh được hai nam hai nữ, nhưng lúc sinh tiểu cô lại bị nhiễm lạnh, từ đó thân thể suy nhược, lại thêm những năm theo Bùi lão gia xay đậu, làm tàu hũ, sớm khuya vất vả, khiến tay chân phát bệnh, ngày nào cũng phải chịu đau nhức ê ẩm.
Mà Đại lang bẩm sinh thể yếu, vốn đã có bệnh trong người, lại thêm lao phổi.
Cha hắn vừa mất, hỏa kế trong tiệm lập tức tự mở sạp riêng, làm ăn riêng lẻ, việc buôn bán của nhà họ Bùi cũng vì thế mà tan rã.
May mắn là họ vẫn còn chút của cải.
Đến tuổi đính thân, Đại lang đã bệnh tật triền miên, lang trung nói bệnh lao không chỉ nguy hiểm mà còn có thể lây nhiễm.
Nhà bình thường nào chịu gả nữ nhi vào nhà hắn? Nhưng nhà ta thì khác, mẫu thân ta mất sớm, còn phụ thân ta lại là một con nghiện cờ bạc.
Năm mười ba tuổi, ta đến nhà họ Bùi, không có một khắc nào được nhàn rỗi—giặt giũ nấu nướng, chăm sóc thái mẫu tuổi già, sắc thuốc đắp chân cho Bùi thẩm, ru tiểu cô ba tuổi ngủ…
Đêm xuống, Đại lang ngồi dưới đèn đọc sách, ho sặc sụa không ngừng, ta còn phải chạy vào bếp nấu nước củ cải mang đến cho hắn uống.
Mỗi lần như thế, hắn luôn áy náy nói với ta: “Tiểu Ngọc, nàng đã vất vả cả ngày rồi, mau đi nghỉ đi.”
Ta lắc đầu: “Không mệt đâu, Đại lang ca ca. Khi còn ở nhà, ta còn phải lên núi đốn củi, xuống ruộng làm cỏ, bình thường cũng chẳng có lúc nào nhàn rỗi, sớm đã quen rồi.”
Đại lang năm ấy mười bảy, từng học tư thục, là một thư sinh thanh tú thích đọc sách.
Hắn đã tham gia huyện thí và phủ thí, đỗ đồng sinh, nhưng vì thân thể yếu nhược, không thể tiếp tục thi viện thí.
Người đọc sách luôn khiến kẻ khác kính ngưỡng. Nhờ hắn, ta không chỉ học được cách viết tên mình mà còn nhận biết không ít chữ nghĩa.
Hai năm sau, ta tròn mười lăm, Bùi thẩm đưa cho ta một chiếc vòng ngọc, nói muốn chuẩn bị hôn sự giữa ta và Đại lang.
Ta không có ý kiến gì, nhưng Đại lang lại không đồng ý.
Lúc ấy, bệnh tình của hắn đã nguy kịch, thường nói chưa hết câu đã ho ra máu.
Hắn nói với thẩm:
“Thân thể con thế nào, con tự biết. Chắc là không qua được rồi. Đừng làm lỡ dở cuộc đời Ngọc nương. Trong lòng con, nàng giống như Tiểu Đào vậy, con luôn coi nàng là muội muội.”
Bùi thẩm nghe xong thì khóc đến ngất lịm. Khi tỉnh lại, bà liền hỏi ta:
“Ngọc nương, con còn nguyện ý gả cho Đại lang không?”
Ta vừa khóc vừa gật đầu:
“Lúc trước mua con về, chẳng phải cũng là để gả cho Đại lang ca ca sao?”
Bùi thẩm khóc không dừng:
“Ngọc nương à, đừng trách ta, nhà ta giờ chỉ còn trông cậy vào con thôi…”
Nhưng người thành thân với ta lại là Nhị lang nhà họ Bùi.
Không, không đúng—phải nói rằng Bùi Nhị lang thay huynh trưởng bái đường cùng ta, bởi vì khi ấy Đại lang đã không còn chống đỡ được nữa, ngay cả xuống giường cũng khó khăn.
Ta đến Bùi gia hai năm, đó là lần đầu tiên ta gặp Nhị lang.
Hắn lớn hơn ta hai tuổi, dáng vẻ đoan chính, tựa như ngọc thụ lâm phong.
Khi Bùi lão gia còn sống, đã sớm đưa hắn đi tòng quân.
Theo luật Đại Sở, nam tử đủ mười lăm có thể nhập ngũ. Theo chế độ “tam niên canh, nhất niên trữ” (ba năm canh tác, một năm dự trữ), bất kể giàu nghèo, hễ tròn hai mươi đều phải đăng ký với quan phủ.
Đa số người nhà có người bị bắt đi lính đều khóc trời khóc đất, sợ rằng chiến tranh bùng nổ, con cháu mình sẽ bỏ mạng nơi chiến trường.
Nhưng Bùi Nhị lang thì khác.
Hắn chưa đầy mười lăm đã bị cha tìm người chạy cửa sau, khai gian thêm hai tuổi, ép đưa vào quân doanh.
Cũng chẳng thể trách cha hắn nhẫn tâm—Nhị lang khác hẳn huynh trưởng của mình, từ bé đã không chịu an phận, suốt ngày cùng đám lưu manh ngoài Tây Môn huyện thành lêu lổng, làm chuyện xấu đủ đường.
Lúc Tiểu Đào năm tuổi, ta còn dỗ nó nghịch bùn đất. Nhưng nghe nói khi Nhị lang năm tuổi, hắn đã biết trộm gà nhà hàng xóm, còn vào miếu ăn cắp rau của hòa thượng cùng đồ cúng của thần linh.
Nói chung, hắn là kẻ tùy ý phóng túng, gây ra không ít chuyện.
Cho đến một ngày, hắn mất tích suốt nhiều tháng, nửa đêm trở về, đứng lặng bên giường cha, cả người đầy m.á.u, nói rằng đã vô ý đánh c.h.ế.t người, hỏi phải làm sao.
Bùi lão gia sợ hãi tột độ, ngay trong đêm đem hết tài sản đi chạy vạy, nhờ cậy quan phủ giúp đỡ.
Mấy tháng sau, ông lặng lẽ đưa Nhị lang ra quân doanh.
Lần ta cùng Đại lang thành thân, chính là lần đầu tiên Nhị lang về nhà sau bốn năm tại ngũ.
Hắn trẻ tuổi, phong thái hiên ngang, mắt mày sắc sảo.
Khác với dáng vẻ thư sinh của Đại lang, Nhị lang trời sinh mũi cao môi mỏng, đôi mắt thâm trầm, ánh nhìn sắc bén, cả người lạnh lùng, ngông cuồng.
Dưới sự sắp đặt của Bùi thẩm, hắn khoác lên hỷ phục, miễn cưỡng thay huynh trưởng bái đường cùng ta.
Trong lễ bái đường, hắn chỉ mím môi, đứng đấy một cách cứng ngắc, dáng vẻ vô cùng miễn cưỡng.
Nhưng ngay đêm hôm ấy, Đại lang không còn chống đỡ được nữa.
Hắn ho ra m.á.u, từng bông hoa đỏ thẫm nở rộ trên khăn lụa trắng, thế nào cũng không ngừng lại được.
Hai ngày sau, hắn cầm lấy tay mẫu thân, nói:
“Hôn sự giữa con và Ngọc nương không tính. Đợi con c.h.ế.t, hãy ký thư hưu thê cho nàng, đừng để nàng lỡ dở cả một đời.”
Đại lang nhắm mắt xuôi tay, Bùi thẩm khóc đến c.h.ế.t đi sống lại.
Còn ta thì sững sờ đứng bên giường, hai tay vẫn bưng bát thuốc đắng chát, không biết nên làm gì.
Trong đầu chỉ vang vọng câu nói mà hắn từng đọc trước mặt ta—
“Sớm còn là nông phu, tối đã bước vào điện ngọc. Tướng quân, thừa tướng vốn không phải do dòng dõi quyết định, nam nhân phải tự cường.”
Chớ nói nho quan là sai lầm, thơ sách chẳng phụ lòng người. Khi hiển đạt thì giúp đời trị quốc, lúc bần cùng thì giữ thân thanh bạch.
Bùi Nhị lang nắm c.h.ặ.t t.a.y huynh trưởng, nhẹ nhàng lau đi vệt m.á.u nơi khóe miệng hắn.
Ta siết chặt một viên đường trong tay, để mặc cho nó tan chảy dính nhớp trong lòng bàn tay.
Nửa năm sau, Bùi thẩm cũng ra đi.
Một trận phong hàn đoạt mất sinh mệnh bà, bệnh chưa được bao lâu, chỉ ngủ một giấc liền không tỉnh lại nữa.
Vài tháng sau, Bùi Nhị lang lại xin phép về nhà, lên núi viếng mộ cha mẹ và huynh trưởng.
Phụ thân ta nghe tin hắn đã trở về, lập tức tìm đến, mở miệng xin hắn thay huynh trưởng ký thư hưu thê cho ta.
Bùi Nhị lang chẳng nói một lời liền ký ngay.
Tiết Thủ Nhân mặt mày rạng rỡ, đánh xe lừa đến, cưỡng ép lôi ta lên xe.
“Nữ nhi à, phụ thân không cờ b.ạ.c nữa, thật sự làm ăn rồi! Ta giờ đã mua lừa, làm phu xe rồi! Con rể đoản mệnh của ta mất gần một năm nay, con mới có mười sáu, còn ở lại đây làm gì nữa? Chúng ta đã tận tình tận nghĩa rồi, mau theo cha về nhà, sau này cha sẽ nhờ người tìm cho con một mối hôn sự tốt!”
Ta ngồi trên xe lừa, đầu óc rối loạn, cứ thế bị ông ta kéo đi.
Nửa đường, ta hỏi: “Thật sự không cờ b.ạ.c nữa sao?”
“Hết thật rồi!”
“Vậy thề đi. Nếu cha lừa con, sẽ bị trời đánh sét giáng, tay chân thối rữa, lưỡi mục nát, c.h.ế.t không ai nhặt x.á.c, ném vào bãi tha ma hoang vắng, rồi bị chó hoang gặm x.á.c…”
“Tiết Ngọc! Ngươi phản rồi à! Có ai lại rủa cha mình như thế không?!”
Tiết Thủ Nhân giận tím mặt, ta cười lạnh một tiếng:
“Không cờ bạc? Lời của một con ma nghiện cờ b.ạ.c như cha có đáng tin không? Cái gì mà nói mối tốt, chắc là lại muốn bán con một lần nữa thì có! Trước đây con còn nhỏ, không có đường lui, bây giờ cha còn muốn lừa con ư? Đi mà lừa quỷ đi!”
Nói xong, ta nhảy xuống xe lừa, xách bọc hành lý, không quay đầu mà bước đi.
Sau lưng truyền đến tiếng chửi rủa của Tiết Thủ Nhân.
Suy đi nghĩ lại, ta đi thêm mười dặm, cuối cùng vẫn quay về thôn Đại Miếu.
Thôn Đại Miếu nằm dưới chân núi Cửu Bình, có khoảng trăm hộ gia đình.
Nhà họ Bùi ở đầu phía tây thôn, hàng rào trước sân do ta dựng lên để trồng một khu vườn nhỏ, bên cạnh còn có mấy cây ngọc lan.
Lúc hoàng hôn, trong sân, từng mảng ánh sáng xanh trắng trải dài, chân trời vương chút dư huyết của tàn dương.
Bùi Tiểu Đào thắt hai búi tóc nhỏ rối bù, ngồi ngay trước cửa gào khóc nức nở.
Cạnh nàng là thái mẫu tuổi già, một già một trẻ cùng ngồi, thái mẫu run rẩy chống gậy, cẩn thận nhìn nàng:
“Nhị nha, đừng khóc nữa, miệng con há lớn như vậy, ta sợ lắm…”
“Nhị nha, quần ta ướt rồi, con có thể giúp ta thay không?”
“Hu hu hu, thái mẫu, sao người lại tè dầm nữa rồi?”
“Giờ không phải lúc nói cái này, giúp ta thay quần trước được không?”
“Hu hu hu… con không biết làm.”
“Vậy con vào bếp nấu cháo tạp diện được không?”
“Hu hu hu… ca ca không phải đi nấu rồi sao?”
“Hừ, hắn có ích lợi gì chứ, đến thê tử cũng không giữ nổi. Nếu không phải tại hắn, chúng ta có rơi vào cảnh này không?”
“Hu hu hu, thái mẫu, con muốn tẩu tẩu, con nhớ tẩu tẩu.”
“Đừng khóc, thái mẫu sớm đã có kế hoạch rồi! Đợi trời tối, chúng ta bỏ nhà trốn đi, nơi này không ở nổi nữa rồi. Cái tên khốn nạn kia, chẳng phải người tốt đâu…”
…
Khi ta quay trở lại, Tiểu Đào khóc nấc lên, ôm chặt lấy ta không buông, thái mẫu bên cạnh cũng nhìn ta với vẻ mặt đáng thương—
“Ta tè dầm rồi, vẫn chưa có ai thay quần.”
Tham gia bình luận ngay...
You must be logged in to post a comment.