06
Mẹ ta rất ít khi nhắc về quá khứ.
Chỉ trừ lần rời khỏi Khôn Châu.
Có lần, mẹ cẩn thận kể cho ta nghe đường đi từ sân sau nhà ngoại tổ, chỉ ra đâu là lối ngắn nhất dẫn vào con ngõ tối, vị trí của chiếc giếng ở đầu ngõ, và bên dưới giếng, chỗ nào có hang động thông ra Âm Hà.
Mẹ còn kể về mùi đồ ăn thừa thối rữa trong dòng nước và mùi hương nồng nàn của phấn son.
Mọi chi tiết đều rõ ràng như in.
Ta hỏi mẹ có phải mẹ cũng giống ta, thường lén lút trốn ra ngoài chơi không.
Mẹ đáp chỉ đi ra ngoài đúng một lần.
Suốt đời này, mẹ sẽ không bao giờ quay lại, dù có chết cũng không.
Ta hỏi: “Nếu ngoại tổ phụ, ngoại tổ mẫu tìm mẹ thì sao?”
Mẹ chạm tay lên mặt, nét mặt phức tạp, bảo: “Đừng lo, họ sẽ không tìm thấy mẹ đâu.”
06
Trước kia ta không hiểu, nhưng bây giờ dường như đã hiểu được phần nào.
Những cô nương trong Phong Nguyệt Lâu ở Khôn Châu, những nữ nhân bị đánh ở cửa tiệm gạo, các phụ nhân đang giặt giũ bên giếng với gương mặt vô hồn… Dù người thì già, người thì đen đúa, nhưng ai nấy đều có nét giống mẹ ta.
Dù có đặt mẹ ta vào giữa đám họ, cũng không thể phân biệt ra được.
Lạ thật, dù không cùng một cha mẹ, sao lại có thể giống nhau đến vậy?
07
Cha ta nói rằng, vừa qua đại nạn, không nên phô trương của cải mà cần kiếm một nghề chính đáng để che mắt thiên hạ.
Ông đến bến cảng mua một con cá lớn, phơi khô, rồi ta lấy ra cả đống cá khô từ trong Phúc Đỉnh.
Những con cá khô không mất vốn đó được bán lấy tiền.
Tiền đồng sinh tiền đồng, rồi đổi ra bạc, rồi lại sinh bạc, rồi sinh ra vàng.
Chỉ trong một tháng, ba chiếc rương trong nhà đều được chôn đầy những hũ vàng bạc bên dưới.
Sau đó, ông thuê một cửa hàng gần mặt phố với giá thấp.
Lúc đầu ta còn được đi ra ngoài phố, nhưng có mấy lần tam ca lạc mất ta rồi bắt được ta ở cổng thành.
Hai người bọn họ bàn tính rồi nhốt ta vào sân sau.
Ta vùng vẫy, rồi bị cha dùng xích to cỡ cổ chân để xích chân ta lại.
Ông nói ở Khôn Châu, những nữ nhân không nghe lời đều bị xử lý như vậy.
“A Ngọc à, bên ngoài nhiều kẻ xấu lắm, con biết không? Ở Khôn Châu này, có ma chuyên ăn thịt nữ tử, nhìn đám nữ nhân hay chạy nhảy ngoài kia mà xem, bị bắt nhất định sẽ rất thảm. Cha cũng chỉ muốn tốt cho con thôi. Con nghe lời, ngoan ngoãn thì cha sẽ thả con ra.”
Cha đi hết chuyến này đến chuyến khác, vận chuyển từng rương đầy vàng bạc về rồi khoe rằng mình tự kiếm được. Chẳng mấy chốc, ông lại mua thêm cửa hàng mới, mở ra nghề mới.
Sau đó, ông mở rộng sân, đổi sang nhà mới, thuê hộ vệ cùng đầu bếp.
Có tiền thì sinh ra gan lớn.
No đủ thì dễ nảy sinh ham muốn.
Đổi chỗ ở, đổi y phục mới, gương mặt gầy gò của cha và tam ca đã có thêm da thịt.
Cha bắt đầu muốn cưới một nữ tử có xuất thân đoan chính, biết chữ, giống như những người vợ có học thức của các quan chức ở Hà Bá Ty.
Nhưng nữ tử ở Khôn Châu không được phép đi học.
Chỉ duy nhất nhà giàu có Dư gia mới có.
Bây giờ ông chẳng còn sợ nhà họ Dư nữa, ông bảo mình có số phú quý, vợ đầu là tiểu thư nhà họ Dư, thì vợ thứ hai cũng phải không thể kém cạnh.
Tam ca cũng muốn lấy vợ, nhưng người mà hắn nhắm đến lại là muội muội song sinh của hoa khôi ở Phong Nguyệt Lâu của Dư gia.
Cha không đồng ý, còn tát cho hắn một cái.
Họ cãi nhau ầm ĩ ở nhà.
Ta lén nói với tam ca: “Ca ca, cha quản huynh như thế, huynh không thấy bực sao? Hay là huynh đưa ta đi, ta sẽ nghe lời huynh hết. Huynh muốn bao nhiêu, ta sẽ lấy bấy nhiêu tiền cho huynh, được không?”
Tam ca nói: “Nhưng nếu cha đuổi theo thì sao?”
Ta nháy mắt, nói: “Vậy thì… làm sao để cha không đuổi kịp là được!”
Rồi ta lại nói với cha: “Cha, tam ca đang oán cha đấy! Tối qua con thấy huynh ấy lén mài dao, cha không định làm gì sao?”
Ngày hôm sau, cả hai người họ hợp sức đánh ta một trận.
Hai người này thực sự không thể nào chia rẽ.
Dù họ căm ghét và nghi kỵ lẫn nhau đến đâu, nhưng trong việc hành hạ ta và mẹ, họ lại đồng lòng không chút lay chuyển.
08
Ta không có cách nào chạy thoát.
Không ai nhận ra rằng trên đuôi những con cá khô có dấu vết giống hệt nhau.
Cũng không ai thấy rằng những đồng bạc ta tạo ra đều có dấu móng tay y hệt.
Và cũng chẳng ai chú ý đến những vết máu mờ nhạt trên những món trang sức đắt tiền mà ta biến ra.
Chúng sinh bận rộn, chư thần làm ngơ.
09
Dư gia ngày càng thất thế, cửa tiệm đóng cửa hết tiệm này đến tiệm khác.
Còn cha ta lại mở thêm tiệm mới, ngày càng nhiều.
Những hũ chôn dưới đất ngày càng nhiều, hộ vệ và đám tay chân bên ngoài cũng ngày càng đông.
Ông lại đổi sang một ngôi nhà lớn hơn.
Tam ca không thích đọc sách, chẳng biết tính toán sổ sách, nên chỉ có nhiệm vụ canh giữ ta. Hắn nhốt ta trong một tầng hầm sâu trong hậu viện của ngôi nhà mới.
Đó là nơi chỉ vừa đủ cho một người nằm.
Cha giữ riêng chiếc đỉnh.
—Như vậy không ai có thể độc chiếm hết số của cải.
Tam ca rất say mê cô muội muội song sinh của hoa khôi trong Phong Nguyệt Lâu, dù cha không cho phép lấy nàng ta, nhưng hắn vẫn lén dẫn nàng ta về nhà.
Ngăn cách bởi một bức tường, dần dần ta hiểu được những gì họ đang làm, chỉ cảm thấy kinh tởm.
Hoa nương nhiều lần van xin tam ca cho mình ở lại làm thiếp, nhưng hắn chỉ tùy tiện hứa hẹn rằng khi có đủ tiền sẽ cưới nàng, rồi bắt nàng làm những điều đáng ghê tởm.
Hết ngày này qua ngày khác.
Cuối cùng, nàng ta giận dỗi, chất vấn hắn có phải đã có người khác.
Tam ca bảo sao có thể? Trong nhà này ngày thường chỉ có mấy chục gia nhân ở ngoài, đến cả lão bà tử cũng không có.
Nữ nhân Khôn Châu không lấy chồng xa, cũng không ra ngoài làm việc, càng không dễ bán mình.
Chỉ có nữ nhân trong phong nguyệt lâu mới lộ diện trước người đời.
“Sao lại không có? Chàng giàu có tuấn tú thế này, trong nhà lại không có nữ nhân nào ư? Thiếp không tin.”
Nàng bĩu môi, dậm chân, đôi mắt đen láy đảo quanh: “Nếu để thiếp phát hiện ra, thiếp nhất định sẽ đuổi con hồ ly tinh đó đi! Chàng tin hay không… thiếp nhất định sẽ đuổi đi. Chàng thấy được không?”
Tam ca ậm ừ giữ nàng ta lại, đáp: “Tin, tin, được, được, đều theo ý nàng!”
10
Ta cảm thấy cơ hội đã đến.
Lối đi có tầng ngăn cách, nhưng tất cả đều là đất.
Thi thoảng lại nghe tiếng chuột chạy.
Chỉ cần chút mồi nhử.
Cha và tam ca không bao giờ cho ta ăn thịt, cũng chẳng để ta ăn no.
Họ bảo sợ rằng ta “ăn no lại gây chuyện”, “ăn nhiều rồi suy nghĩ lung tung”.
Nhân lúc được chạm vào Phúc Đỉnh, ta cắn một miếng thịt trên cánh tay mình, ném vào trong đỉnh.
Máu thịt tươi mới từ đỉnh xuất hiện, thu hút lũ chuột.
Chúng kêu ríu rít ở góc phòng, cuối cùng, bức tường đất dần dần bị xói mòn, sau một thời gian, tầng ngăn cách cũng xuất hiện một lỗ hổng nhỏ.
11
Nhưng vào lúc này, tam ca đã chán Hoa nương kia.
Hắn không đưa nàng về nữa.
Vào mùa xuân, cha ta được như ý nguyện, sau khi dùng ba mươi gian cửa hàng cầu hôn với Dư gia, đã lấy được một nữ nhi xinh đẹp của nhà họ, nghe nói vì sinh ý của Dư gia xuống dốc, vị tiểu thư trẻ đó đã phải chủ động quyến rũ ông.
Cha ta vô cùng vênh vang đắc ý.
Trong nhà bày tiệc rượu.
Chưa bao giờ ông xa hoa như vậy, ông uống rất nhiều rượu.
Còn mời đến những ca kỹ, vũ cơ nổi tiếng nhất ở phong nguyệt lâu.
Hoa nương cũng được mời đến để góp vui, tam ca cũng uống rất nhiều rượu.
Bọn họ ở bên ngoài bình phong làm chuyện hoang đường.
Tam ca càng thêm đắc ý: “Lúc trước nàng chẳng phải nói không chịu được ta có nữ nhân nào khác ư? Sao vừa nãy lại để chính tỷ tỷ mình dâng đến, còn tự mình bám theo ta. Phải nói, nữ nhân Khôn Châu các người… ai cũng giống nhau cả. Đến cả nhà ta cũng—”
Hắn đột nhiên im bặt, nhận ra mình lỡ lời.
Hoa nương nhẹ nhàng dùng móng tay đỏ điểm lên ngực hắn, ngước lên cười: “Vậy là công tử thực sự giấu một vị nương tử khác sao? Sao không dẫn ra đây cho thiếp gặp mặt?”
Tam ca lảng tránh, rồi chẳng bao lâu đã phát ra tiếng ngáy đều đều.
Ta từ trong khe hở nhỏ mà mình đã đục, nhét ra một đồng xu, vang lên một tiếng “đông”.
Tiếp đến là một miếng bạc.
Rồi một miếng vàng.
Hoa nương bước từng bước, giẫm lên những đồng tiền vàng bạc, tiến về phía ta.
12
Ta chỉ thấy tà áo đỏ mỏng manh của nàng nhẹ nhàng phất phơ trước mặt.
Ta nói với nàng rằng tam ca đang lừa dối nàng.
Hắn sẽ không cưới nàng đâu.
Hắn có rất nhiều tiền, nhiều đến không đếm xuể, sao lại không có tiền chuộc nàng ra chứ?
Ta ném thêm vàng ra cho nàng xem.
Hoa nương dường như đã dao động.
Nàng cầm cây đèn cầy, từ từ cúi người về phía ta.
Ta nhìn thấy chiếc vòng tay trên tay nàng, thấy cây trâm cài trên tóc nàng, với những vết khắc nhỏ mà ta từng tạo ra hàng loạt từ trong Phúc Đỉnh.
Rồi ta nhìn thấy gương mặt nàng ngẩng lên.
Trong khoảnh khắc đó, suýt nữa ta đã hét lên.
Nàng… giống mẹ ta đến kỳ lạ.
Ta nhìn chằm chằm vào nàng.
Nàng cũng nhìn ta.
“Là ngươi.” Nàng nhẹ nhàng nói, “Cá của Phong Nguyệt lâu, cây trâm có vết máu, và cả những đồng bạc nam nhân mang đến với dấu vết trên đó. Tất cả đều là của ngươi, phải không?”
“Sao ngươi biết?”
“Chúng ta đều biết.” Nàng nói, ” Đầu bếp nữ thấy cá của ngươi, phụ nhân thấy cây trâm của ngươi, chúng ta thấy dấu vết trên đồng bạc của ngươi. Chúng ta… đều đang tìm ngươi.”
“Chúng ta?”
Nàng hỏi ta: “Ngươi tên là gì?”
“A Ngọc.”
“A Ngọc, thật là cái tên đẹp. Đã lớn thế này rồi.” Ánh mắt nàng trong ngọn nến dịu dàng vô cùng, “Chìa khóa của cái khóa kia đâu? Là cái chìa trên dây của hắn phải không?”
Nàng mở khóa xích cho ta, mắt cá chân của ta bị chai sần dày đặc, nàng nhẹ nhàng hỏi ta.
“Đau không?”
Nàng hỏi ta lần nữa, rồi lại lần nữa: “Đau không?”
Giọng nói và dáng vẻ của nàng giống hệt mẹ ta đêm cuối cùng, khiến lòng ta run rẩy.
13
Hoa nương bảo ta cải trang thành nàng, để nàng ở lại đây thay ta một thời gian.
Như vậy mới đánh lừa được đám hộ vệ bên ngoài.
“Yên tâm đi, tam ca của ngươi rất thích ta, hắn nhiều lắm cũng chỉ tức giận chứ không làm khó ta đâu. Hơn nữa, dù hắn có muốn làm khó, ta cũng là người được chuộng nhất ở Phong Nguyệt lâu, Phong Nguyệt lâu … sẽ không bỏ mặc ta đâu. Đừng lo.”
Nàng vuốt ve gương mặt ta, nhìn kỹ từng chi tiết, giúp ta đội mũ trùm đầu và chỉ dẫn đường đi.
Tựa như nàng đã làm việc này hàng trăm lần.
Ta có hàng ngàn câu hỏi trong lòng.
“A Ngọc, thời gian không còn nhiều. Sau này sẽ có người giải thích cho ngươi mọi chuyện. Đi đi, rời khỏi Khôn Châu và đừng bao giờ quay lại.”
Nàng nắm tay ta, ngàn lời vạn lời nhìn ta.
“A Ngọc, đi đi.”
Ta đội mũ trùm đầu, bước ra ngoài.
Đây là lần đầu tiên sau ba năm ta được nhìn thấy diện mạo của nhà họ Lương.
Những cột kèo được chạm khắc tinh xảo dát vàng, ao sen lấp lánh ngọc trai, từng viên dạ minh châu được chất đống khắp hành lang như chẳng đáng giá gì, nửa tòa nhà của Lương gia sáng rực như ban ngày.
Giữa tiếng đàn sáo, từ xa xa, các nữ nhân kiều diễm nhảy múa trong thủy đình.
Điệu múa duyên dáng, mơ hồ như sương khói.
Bên ngoài, từng lớp từng lớp là các thương nhân bụng phệ, khách quý đầy quyền lực.
Cha ta đứng trên sân khấu, đuổi bắt các nữ nhân, cười đùa vui vẻ.
Nào còn bóng dáng của người đàn ông nghèo khó từng phải quỳ gối chỉ vì hai con cá.