Hôm ấy, gặp một vị tướng quân.
Hắn hỏi: “Ngươi làm nghề gì?”
Ta yếu ớt đáp: “Bán… thịt…”
Chưa kịp thốt ra chữ “bánh,” mặt tướng quân đỏ bừng : “Hạ lưu!”
Hắn bắt trói ta về quân doanh, cùng với những nữ nhân đã từng làm kỹ nữ mà chỉnh đốn.
Sau này, ta cướp mất quần của hắn, hắn vẻ mặt hoảng hốt.
Ta nói: “Lần đầu gặp mặt, tướng quân bảo ta hạ lưu. Tam nương này sống tới nay chưa bao giờ làm ăn lỗ vốn, người đã nói ta như vậy ta chỉ đành bất đắc dĩ mà làm thôi.”!
1
Ta bán bánh bao nhân thịt nơi biên ải.
Vỏ bánh mềm, nhân thịt thơm, lúm đồng tiền của Tam nương tựa như dao sắc giết người.
Tam nương ta, một tay cầm dao, một tay chống hông, nhe răng nhìn đàn “dê béo”.
Bánh thịt heo vừa giết, giá mười đồng, chưa đến trưa đã bán sạch.
Bánh hôm qua còn dư, giá ba đồng, để tới tối cũng hết veo.
Ông lão bên quán láng giềng thấy lạ bèn bảo: “Thịt heo cô dùng, ngày nào cũng mổ mới, không để thừa. Bánh giống nhau, sao bán cho người giàu mười đồng, kẻ nghèo lại ba đồng?”
Ta cười đáp: “Sáng cướp của kẻ giàu, chiều cứu giúp người nghèo. Tam nương ta chưa từng phụ lòng kẻ khốn khổ.”
Quân lính nơi biên ải, ai ai cũng thích bánh thịt ta làm.
Khi rảnh rỗi thì họ kéo nhau tới mua, lúc bận bịu lại nhờ ta mang tới quân doanh.
Hôm ấy, gặp con heo khó giết.
Giết heo xong, lóc thịt, nhào bột, băm nhân, mặt trời đã lên cao.
Ông Vương già từ quân doanh trở về, nhắn lời: “Hôm nay có đại tiệc, đón tướng quân mới. Trước giờ trưa, ngươi mau làm đủ trăm chiếc bánh mang tới.”
Một mối lớn như vậy, nửa năm cũng khó gặp.
Ta xắn tay áo, siết dây lưng, bột tung như tuyết, xẻng múa như phong.
Trăm chiếc bánh đã giao đúng giờ trước buổi trưa.
Xong việc, ta mệt đến rã rời, dù là người là sắt đá cũng phải vịn tường mà bước đi.
Đúng lúc xuất hiện vị tướng quân, thân khoác áo giáp đỏ, đầu đội ngân quang cưỡi ngựa đi ngang qua.
Ánh mắt ngài liếc qua ta, rồi lập tức quay ngựa lại.
Tướng quân hỏi: “Ngươi làm nghề gì?”
Ta ôm lấy eo nhỏ, cất giọng yếu ớt: “Bán… thịt…”
Chữ “bánh” chưa kịp nói ra, tướng quân đã đỏ mặt, quát: “Hạ lưu!”
Ta là một kẻ buôn bán nhỏ, chăm chỉ kiếm sống, sao lại bị người ta gắn mác hạ lưu rồi ?
Ta định biện bạch, nhưng đám quân lính đã nhanh tay lục túi tiền của ta.
“Hừ, kiếm được không ít, bảo sao mệt đến cong cả lưng!”
Xung quanh vang lên tiếng cười nhạo.
Tướng quân quay mặt đi nơi khác, tựa như nhìn ta thêm chút nữa sẽ làm vấy bẩn đôi mắt của ngài.
Ngài ra lệnh: “Trói lại, mang về quân doanh. Ta không tin không trị nổi cái loại phong hóa suy đồi này.”
Tướng quân cưỡi ngựa oai phong, ta bị trói lại như bánh bao nhân thịt sau đó bị ném úp mặt trên lưng ngựa.
Vạt áo ngài bay phất phơ, quét ngang mặt ta.
Ta cắn lấy vạt áo ấy, để che đi mùi phân ngựa, lòng hận nghiến răng:
“Rồi sẽ có ngày, ta dạy ngài biết thế nào là hạ lưu thật sự!”
2
Biên ải đất Yên, phong địa của công chúa Hoa Dương.
Có người hỏi, vì sao công chúa lại chọn nơi Tây Bắc lạnh lẽo khắc nghiệt này?
Người tự tin đáp rằng, nam nhân nơi đây lông mày rậm, mắt to, hợp ý bổn công chúa.
Chiến loạn triền miên, dân chúng đói khổ không đường sống.
Nam nhân có nhan sắc liền tiến cử làm sủng nam cho công chúa.
Nữ nhân xinh đẹp cũng dần dần chẳng áo che thân, đành tìm cách quyến rũ quân lính giữ thành.
Thời loạn thế, không còn lối thoát nào khác.
Họ mong dựa vào hoàng gia, kiếm lấy một chén cơm cùng chút canh nóng mà qua ngày.
Lâu dần, nam nhân đất Yên càng thêm yếu mềm, quân lính ngày càng kiệt quệ sức lực, chẳng còn khả năng đánh trận.
Triều đình không thể ngồi yên, bèn phái tướng quân Nguyên Hoài đến chỉnh đốn.
Ngài nổi tiếng cứng rắn, không gần nữ sắc, nhát dao đầu tiên liền chém vào đám nữ nhân bán thân nơi biên ải.
Mà ta, một kẻ chăm chỉ bán bánh thịt Tần Tam nương, lại oan nghiệt bị cuốn vào lưỡi dao số phận.
Những nữ nhân bị bắt về, mỗi người một dáng vẻ khác nhau.
Có người phong tình diễm lệ, có người yếu ớt như liễu rủ.
Kẻ trông đoan trang, người thì đanh đá, lại có cả vẻ ngây ngô khờ dại.
Nhìn qua, dễ thấy nghề bán thân bây giờ đã quá đông đúc.
Người nhiều thì tất phải cạnh tranh khốc liệt.
Các nàng thấy dáng vẻ ta thì kinh ngạc: “Cô chọn đường đi này… thật có phần sáng tạo.”
Ta thành khẩn giải thích: “Thực ra ta không giống các cô, ta bán bánh thịt.”
Các nàng suy nghĩ một hồi rồi đáp:
“Ồ, hiểu rồi, bán thịt thì tiện thể bán cả bánh.”
“Làm hai nghề cùng lúc, quả là kiếm được nhiều hơn.”
“Úi chao, nghề này xem ra ngày càng cạnh tranh khó lường.”
Sự im lặng của ta như muốn vỡ toang trời đất.
Từ đó, ta bắt đầu ngày ngày cùng những nữ nhân yểu điệu này lên lớp học.
Tiểu tướng quân Nguyên Hoài quyết tâm chỉnh đốn, thủ đoạn vô cùng mạnh mẽ.
Buổi sáng học sách vở, buổi chiều luyện kỹ năng.
Vừa tẩy rửa tinh thần, vừa đào tạo nghề nghiệp, nghe nói ai biểu hiện tốt còn được giữ lại quân doanh, từ đó an hưởng phần cơm lâu dài.
Sư phụ hỏi ta muốn học nghề gì, ta đáp rằng chẳng cần học, ta đã có sẵn nghề, đó là làm bánh thịt.
Ta cầm lấy dao phay, chặt chém vang dội, một thau thịt đầy được băm nhuyễn, rồi tráng một mẻ bánh nóng hổi.
Vỏ bánh mềm, nhân thịt thơm, bánh của Tam nương, ai ăn cũng khó quên.
Các nàng nếm bánh ta làm, đều trầm trồ khen ngợi: “Tam nương có tay nghề này, mai sau ắt có thể lấy một người đồ tể làm phu quân. Chứ như chúng ta, chỉ biết đàn hát, thêu thùa, e rằng chỉ làm thiếp cho những công tử hào hoa.”
Ta lắc đầu: “Gả cho đồ tể làm gì, Tam nương ta trước đây cũng từng là chính thê của một công tử hào hoa.”
“Tam nương giỏi múa, lang quân giỏi vẽ, chàng từng vẽ ta tựa thần nữ giáng trần. Ai nhìn chẳng tấm tắc khen tài tử giai nhân.”
Các nàng cười ngả nghiêng, ngực áo rung rinh.
“Tam nương thật khéo bịa chuyện!”
“Thế chàng công tử hào hoa ấy giờ ở đâu?”
“Làm gì có chuyện công tử vừa đẹp vừa giỏi vẽ nào, nếu có chăng cũng đã bị công chúa bắt đi làm ấm giường rồi, đâu tới lượt Tam nương ngươi.”
Các nàng cười, ta cũng cười.
Từ đó, lúc rảnh rỗi, các nàng liền ép ta kể chuyện.
Ta kể chuyện, các nàng nhẩn nha cắn hạt dưa.
3
Chuyện ta kể, nữ chính là một tiểu thư tên Nguyệt Nương, nam chính là một công tử tên Dung Lang.
Nguyệt Nương là một tiểu thư ngây thơ, hồn nhiên, con nhà quan lại.
Dung Lang là một công tử hào hoa, xuất thân thư hương.
Dung Lang giỏi vẽ, nét bút của chàng làm núi sông hùng vĩ, hoa điểu như thật.
Chàng vẽ núi, vẽ sông, vẽ chim, vẽ cá, nhưng chưa từng vẽ người.
“Vẽ người khó vẽ cốt, biết mặt không biết lòng.”
Chàng bảo, lòng người quá phức tạp, chàng không vẽ được.
Sau này, chàng gặp Nguyệt Nương.
Nguyệt Nương múa dưới trăng, vẻ đẹp tựa tiên giáng trần.
Dung Lang từ một kẻ chưa từng vẽ người, trở về liền một hơi hoàn thành bức họa “Kinh hồng dưới trăng.”
Đó là bức chân dung duy nhất trong đời chàng, cũng là lần đầu tiên chàng đem trái tim mình trao cho cô gái mười chín tuổi trong tranh.
Bức tranh ấy cùng điệu múa của Nguyệt Nương khiến mọi người đều sửng sốt, vang danh khắp kinh thành.
Một đôi kim đồng ngọc nữ nhanh chóng rơi vào lưới tình, lại vừa môn đăng hộ đối, liền bàn hôn sự, nạp sính lễ, tổ chức đại hôn, mọi việc đều thuận lợi.
Nhưng trong truyện, những câu chuyện khởi đầu quá suôn sẻ thường chẳng bao giờ có kết cục bình yên.
Dung Lang và Nguyệt Nương cũng không thoát khỏi định mệnh ấy.
Ngày đại hôn, công chúa nghe kể đôi phu thê danh tiếng lẫy lừng vì một điệu múa, một bức họa, chính là “Kinh hồng dưới trăng”, liền sinh hiếu kỳ.
Hôm ấy, công chúa vì dùng quá nhiều bữa sáng mà muốn ra ngoài cung dạo chơi tiêu thực, nhân tiện ghé qua xem lễ.
Chỉ một ánh nhìn, liền tựa như thiên lôi câu hỏa, tâm can bùng cháy.
Công chúa vừa thấy Dung Lang, đã đem lòng ái mộ, yêu si mê cuồng dại.
Nàng lập tức bắt Dung Lang về phủ, y phục nửa cởi, chân ngọc, yếm đỏ ngập tràn xuân sắc.
Đôi tay mềm mại, vương mùi son phấn, cầm lấy bàn tay thấm đẫm hương mực của chàng, ép chàng vẽ lên thân thể ngọc ngà của mình.
Dung Lang sống chết không chịu, bị ép đến cùng, bèn định đập đầu tự vẫn.
Công chúa đe dọa: “Nếu ngươi chết, ta sẽ bắt toàn gia trên dưới Dung gia phải chôn cùng.”
Dung Lang đứng thẳng, dáng tựa tùng xanh: “Dung gia ta, từ trên xuống dưới đều có khí tiết này. Nếu phải chịu nhục, chi bằng cùng nhau đều chết”.
Công chúa hỏi: “Nhạc phụ ngươi cũng thế ư? Vậy còn tân nương của ngươi, liệu nàng có cam lòng để cả nhà mình vì ngươi mà bỏ mạng?”
Lông mi dài của Dung Lang khẽ run, đáp: “Một người làm, một người chịu. Xin công chúa hãy minh xét, đừng gây họa cho gia thê ta”.
Công chúa từ tốn bước xuống giường, đôi tay trắng ngần vòng qua cổ chàng: “Nhưng nếu ta không chịu thì sao?”
Công chúa từ nhỏ ngang tàng, chưa từng biết đạo lý.
Chết là dễ, qua trong nhục nhã, sống không bằng chết mới khó.
Phía bên kia, Tam nương cũng chẳng chịu ngồi yên.
Nàng gõ nát trống công đường, chặn cả xa giá hoàng đế, khắp trời dưới đất, chỉ để tìm lại vị lang quân yêu dấu của mình.
Sự tình gây rối đến nỗi hoàng đế cũng chẳng thể ngồi yên.
Tại đại điện, hoàng đế lần đầu tiên trong đời quở trách vị công chúa mà ngài yêu thương như chính bảo vật.
Đêm ấy, Nguyệt Nương bị trói tứ chi, ném vào phủ công chúa.
Công chúa cười lạnh: “Muốn nam nhân? Bản cung cho ngươi. Một lần mười người, ngươi thỏa mãn hay chưa?”
Mười gã nam nhân lưng hùm vai gấu bước tới, định khiêng Nguyệt Nương đi.
Dung Lang vốn kiên quyết không khuất phục, đến đây lại chịu quỳ xuống, cúi đầu mà cầu xin.
“Xin công chúa hãy buông tha nàng, thả nàng đi, ta nguyện làm nô lệ hầu hạ công chúa ba năm.”
“Ba năm sau, nếu công chúa chán ghét, chỉ xin ban cho ta cái chết thanh sạch, đừng làm liên lụy Nguyệt Nương cùng gia quyến.”
Nguyệt Nương nghe lời ấy, biết đây là lần cuối cùng được gặp chàng, liền khóc không thành tiếng.
Dung Lang khẽ bảo: “Nàng hãy đi thật xa, từ đây về sau, nàng đã không còn là gánh nặng của ta.”
Đêm ấy, Nguyệt Nương biến mất, không để lại chút dấu vết.
Dung Lang nghe tin, thở phào nhẹ nhõm.
Rồi chàng cầm dao, tự tay cắt bỏ phần nam tính của mình.
Công chúa hốt hoảng chạy tới, kinh hoàng: “Tại sao ngươi phải làm vậy?”