1.
Tôi là con dâu gả xa. Vì sức khỏe ba mẹ tôi không được tốt, nên sau khi bàn bạc với chồng, hai bên thống nhất sẽ tổ chức tiệc cưới ở cả hai nhà.
Vì thế, lúc làm lễ cưới ở nhà trai, bên nhà gái chỉ có một chị họ và một anh họ đến đưa dâu.
Mấy ngày trước lễ cưới, tôi đều ở khách sạn. Mọi việc trong ngày cưới diễn ra khá suôn sẻ, cho đến khi đốt pháo xong và bước vào cổng thì bắt đầu có chuyện.
Nhà chồng tôi là nhà xây 4 tầng, có sân riêng.
Lúc này, cửa chính đóng chặt, tôi và nhóm đưa dâu bị nhốt bên ngoài.
“Phong tục bên các cậu là vậy hả? Có phải đợi cô dâu đổi cách xưng hô không?” Chị họ tôi cau mày hỏi chồng tôi – Cảnh Phong.
Cảnh Phong lắc đầu, trả lời: “Em cũng không rõ lắm. Em rời quê từ sớm, gần đây mới quay về, hầu như chưa từng tham gia đám cưới nào ở đây.”
Tôi thuộc kiểu người hành động, gặp chuyện thì giải quyết luôn.
Tôi tiến đến trước cửa, cất giọng gọi lớn:
“Ba! Mẹ!”
Không ai đáp.
Tôi gọi thêm lần nữa: “Ba! Mẹ! Mở cửa đi ạ!”
Vẫn im lặng. Tôi quay đầu lại, thấy mặt Cảnh Phong đã khó coi lắm rồi, dường như cũng bắt đầu mất bình tĩnh.
“Ba! Mẹ! Bọn con tới rồi, mở cửa đi ạ!”
Lúc này bên trong mới vang lên tiếng bước chân nhẹ, sau đó là một giọng phụ nữ lười nhác vọng ra:
“Quy củ bên này là cô dâu phải đón Thần Tài trước cửa thì mới linh. Như vậy mới mang lại tài lộc và phúc khí cho cả nhà. Đợi 268 phút đi, đến giờ thì mở cửa.”
Khoảnh khắc đó, tôi tưởng mình nghe nhầm, đây là tiếng Trung à?
Tôi quay sang nhìn Cảnh Phong, mặt anh đã tím tái, lập tức kéo tay tôi quay người bỏ đi.
“Anh làm gì vậy?” Tôi hạ giọng hỏi.
“Không làm đám cưới nữa! Từ giờ không qua lại với họ nữa, đừng gọi họ là người nhà anh!”
Tính anh ấy mà nổi lên thì chín con trâu cũng không kéo lại được.
Tôi hiểu rõ hoàn cảnh của anh, cũng hiểu cơn giận của anh từ đâu mà ra.
Người phụ nữ kia không phải mẹ ruột của anh. Bà ta từng là “Tiểu tam” chen chân vào, khiến mẹ ruột của anh uất ức mà qua đời, còn chiếm đoạt luôn tài sản của bà ấy.
Khiến Cảnh Phong từ nhỏ phải bỏ nhà đi, không được đi học, may mà anh tự vươn lên, đi làm học nghề, rồi mở được xưởng riêng, giờ sự nghiệp mới bắt đầu khởi sắc.
Tôi thương anh, nhưng cũng không thể để người khác bắt nạt mãi được.
Lần này về tổ chức đám cưới là do ba anh đề xuất. Thái độ ông đột ngột thay đổi, khiến anh vừa bất ngờ vừa cảm động.
Tôi hiểu, anh thiếu tình thân từ nhỏ, nên khi bất chợt được quan tâm, anh dễ mềm lòng.
Tôi đã tưởng mọi chuyện đổi khác, ai ngờ lại là một cái bẫy.
Với tính cách của anh, chắc chắn sẽ bảo vệ tôi đến cùng, chắc chắn sẽ cắt đứt quan hệ với bên đó.
Một khi làm lớn chuyện, nhà chồng sẽ dứt khoát “gạch tên” anh khỏi gia phả.
Tiền mẹ ruột anh cực khổ tích góp cũng sẽ bị mấy kẻ máu lạnh đó nuốt trọn.
Tôi không cam lòng.
Tôi ghé sát tai anh, nhẹ giọng nói:
“Nghe em, chẳng lẽ anh không muốn thay mẹ đòi lại công bằng sao?”
Mắt anh sáng lên, nhưng vẫn hơi lo lắng:
“Chúng ta làm nổi không? Con cáo già đó không dễ đối phó đâu.”
“Có em ở đây, sợ gì chứ.” Tôi mỉm cười tự tin.
Tôi quay người lại, lớn giọng nói:
“268 phút đúng không? Được rồi, cứ đợi đi! Con dâu nhà này sẽ đón đủ cả năm vị Thần Tài luôn!”
Trong sân có khá đông người đứng xem, chắc cũng chỉ mong có trò vui.
Ai ngờ tôi lại sảng khoái đồng ý luôn.
Bên trong khựng lại một chút, rồi mẹ kế Cảnh Phong cười cười nói:
“Con dâu mới hiểu lễ nghĩa, cứ chờ xem con có làm được không.”
Tôi xoay người bước lại giữa sân, đảo mắt nhìn quanh.
Sân vuông vức, lát đá hoa cương, nhưng đúng là nắng gắt thật.
Tôi vẫy tay gọi anh họ.
“Anh, mang bộ đồ cắm trại ra giúp em đi.”
02
Anh họ tôi lái xe nhà đến, đúng kiểu dân lăn lộn ngoài đường, đi khắp cả nước. Nghe tôi nói vậy thì cười khoái chí, vỗ đùi đen đét, đúng nghề của ảnh rồi còn gì.
Chớp mắt, trong sân đã dựng xong một khu cắm trại mini.
Chính giữa là một cây dù che nắng màu hồng phấn xen trắng, dưới dù là bàn mạt chược, còn có cả máy xóc bài tự động.
Kế bên dựng bếp nướng, từ tủ lạnh mini trên xe lấy ra mấy xiên thịt nướng sẵn: thịt dê, cánh gà, tim gà, đậu hũ cuộn, cà tím, kim châm…
Anh họ khui hai lon bia lạnh, đặt trước mặt chúng tôi.
“Cứ chơi thoải mái, vụ nướng này giao cho người khác anh không yên tâm đâu!”
Nói xong, ảnh ngồi luôn xuống trước bếp, lát thì rắc tiêu thì là, lát lại rắc mè, thỉnh thoảng còn quay lại hỏi: “Có thêm cay không?”
Chúng tôi khách sáo mấy câu, phù dâu với phù rể mỗi bên ra một người, chị họ ngồi đối diện tôi, còn Cảnh Phong đứng phía sau lưng tôi nhìn bài.
“Tôi đang đội khăn hồng nha, mấy người đánh chậm chút cho tôi!”
May mà lúc chọn khăn trùm đầu tôi chọn cái voan đỏ siêu mỏng, thoáng khí, nhìn gì cũng rõ.
Hai vòng bài đánh xuống, Cảnh Phong cũng bị không khí ở đây lây sang, mặt bắt đầu nở nụ cười.
Người vây xem càng lúc càng nhiều, không chỉ trong sân, ngay cả trên tường cũng ngồi đầy người, còn có cả livestream.
Chỗ anh họ cứ liên tục chuyển đồ nướng sang, tôi ăn đến mức miệng bóng nhẫy.
“Cứ ăn đi, lát nữa tôi dặm lại lớp trang điểm cho.” Phù dâu sợ làm dơ váy cưới, cổ vươn dài ra ăn, chọc cả đám cười lăn.
Không khí hôn lễ lúc này phải nói là quá đỉnh.
Thời gian trôi vèo vèo, chúng tôi đang chơi tới cao trào thì cửa chính mở ra, mẹ kế Cảnh Phong mặt hằm hằm bước ra.
“Các người trông ra cái thể thống gì thế này! Muốn bị thiên hạ cười vào mặt à!”
“Đón Thần Tài mà, phải rộn ràng, phải ăn uống đầy đủ mới đúng điệu chứ!”
Tôi bật dậy, đẩy bộ bài sang bên. Không chơi nữa, vở chính bắt đầu rồi.
Tham gia bình luận ngay...
You must be logged in to post a comment.