Mẹ tôi đã cho em trai bốn căn nhà của gia đình, còn tôi nhận được tình yêu thương. Vậy nên sau khi đi làm, tôi mua tặng mẹ một chiếc vòng cổ giá 39.9 tệ, còn dành hẳn 18,000 tệ cho mèo cưng của mình.
Mẹ bảo tôi là đồ vô tâm.
Tôi chỉ vào bốn cuốn sổ đỏ, mặt vô tội: “Mẹ à, tiền của con đã dành cho mèo rồi, nhưng tình yêu của con thì vẫn dành hết cho mẹ đó!”
———-
Khi còn nhỏ, mỗi khi ba mẹ mua bánh ngọt, tôi và em trai mỗi người một phần, mua đồ chơi cũng là mỗi người một món, chẳng hề có sự thiên vị.
Tôi luôn cảm thấy may mắn khi sinh ra trong một gia đình công bằng, ba mẹ đối xử với tôi và em trai rất công bằng.
Nhưng sau đó, gia đình mua một căn nhà mới, và đứng tên em trai tôi, Tống Gia Hào.
Lúc đó, em mới học cấp hai.
Mẹ nói: “Xã hội này, con gái không có nhà cũng chẳng sao, nhưng con trai mà không có nhà thì sau này lấy vợ khó lắm.”
“Nhà mình điều kiện có hạn, nếu ba mẹ có tiền mua căn thứ hai thì chắc chắn sẽ mua cho con một căn nữa.”
Tôi buồn bực mấy ngày liền, cuối cùng cũng tự thuyết phục bản thân chấp nhận.
Họ không phải không thương tôi, chỉ là không có tiền thôi.
Lên đại học, mẹ khóc lóc bảo tôi rằng nhà đang gặp khó khăn tài chính.
Vậy là tôi vừa học vừa làm, cố gắng giành học bổng, làm thêm để đỡ đần cho gia đình.
Trong mấy năm đó, họ mua thêm căn thứ hai, căn thứ ba, tất cả đều đứng tên em trai tôi.
Mẹ lại nói: “Xã hội này đòi hỏi cao với con trai, con trai chịu áp lực nhiều, thêm hai căn nhà cũng là để đảm bảo sau này. Còn con là con gái, nhẹ nhàng hơn nhiều.”
Lúc đó, tôi nhớ đến một từ mà tôi thấy thường xuyên trên mạng: trọng nam khinh nữ.
Trước đây, tôi chưa bao giờ liên hệ từ đó với gia đình mình.
Tôi lục lại lời hứa năm nào của mẹ, cố gắng vạch ra lời dối trá của bà: “Mẹ nói rõ ràng là nếu nhà mình có điều kiện cũng sẽ mua cho con một căn, kết quả bây giờ em Gia Hào đã có ba căn rồi. Mẹ có thiên vị thì cứ nói thẳng ra!”
Mẹ tức giận như muốn nổ tung: “Từ nhỏ đến lớn, chúng ta có bao giờ để con chịu thiệt thòi chưa? Quần áo, đồ ăn, hoa quả lúc nào con chẳng có bằng em? Con là con gái, còn cần phải mua váy áo, kẹp tóc, số tiền chúng ta đã chi cho con còn nhiều hơn!”
“Nếu thực sự thiên vị, thì chúng ta đã chẳng cho con học hết đại học! Con ra ngoài mà xem có bao nhiêu gia đình con gái không được đi học kìa? Có ai công bằng như chúng ta không?”
Tống Gia Hào cũng ra thêm dầu vào lửa: “Chị à, đừng làm mẹ giận nữa. Tiền của ba mẹ, họ muốn cho ai là quyền của họ. Làm người phải biết ơn. Ba mẹ nuôi dưỡng chị, chị không biết hiếu thảo đã đành, lại còn bận tâm đến tài sản của họ nữa.”
Hai mẹ con họ nói qua nói lại, chụp lên đầu tôi cái mũ đạo đức quá cao, khiến tôi không biết phải phản ứng thế nào.
Cãi nhau cũng chẳng để làm gì.
Tôi nhìn vào chiếc vòng cổ bằng vàng nguyên chất trong túi xách, món quà tôi mua bằng tháng lương đầu tiên sau khi đi làm. Tôi từng thấy mẹ nhìn nó chăm chú ở quầy hàng trong trung tâm thương mại nhưng tiếc tiền không mua.
Hôm nay tôi định tạo cho mẹ một sự bất ngờ, nhưng giờ thì chẳng còn cần thiết nữa.
Tôi liền mang nó ra khỏi nhà và đến quầy để trả hàng.
Chiếc vòng có giá 15,800 tệ. Sau khi nhận tiền hoàn trả, tôi đến cửa hàng thú cưng và mua một chú mèo Ragdoll.