5/
Đến tối, cuối cùng Tống Gia Hào cũng chịu tạm rời khỏi buổi tụ tập náo nhiệt để gọi cho tôi.
“Tống Kiều Kiều, chị dám bỏ mặc mẹ ở bệnh viện, không đến thăm một lần, chị còn có lương tâm không? Công việc có quan trọng đến mấy cũng không quan trọng bằng mẹ. Mất việc thì có thể kiếm lại, nhưng mẹ chỉ có một mà thôi.”
Ở đầu dây bên kia, ngoài tiếng gào thét của cậu ta còn là tiếng hát hò hú hét của bạn bè, náo nhiệt vô cùng.
Tôi vừa tan ca, đang mua đồ ở siêu thị thì nghe điện thoại, liền mỉm cười đáp lời: “Ồ, vậy là cậu ở bệnh viện túc trực 24/7 rồi sao? Thật vất vả cho Tống đại thiếu gia quá.”
Cậu ta chẳng thấy mình có gì sai: “Tôi đang ở ngoài tỉnh, không thể nào đến được. Mẹ nhập viện, chẳng lẽ chị không có trách nhiệm chăm sóc sao? Chỉ vì chuyện nhà cửa mà chị bỏ mặc ba mẹ, chị lớn lên bằng cách nào, chẳng phải do ba mẹ nuôi dưỡng sao?”
“Nếu chị bận, thì sao không thuê hộ lý cho mẹ? Mỗi tháng kiếm nhiều tiền như vậy mà không nỡ bỏ ra một chút sao? Đã làm con thì không thể chỉ nghĩ đến việc tiêu tiền của ba mẹ mà còn phải biết đóng góp cho gia đình. Ba mẹ còn phải gánh khoản vay mấy trăm nghìn, ngày nào cũng vất vả, còn chị thì ra ngoài sống thoải mái, chị làm sao mà ích kỷ như vậy được?” Cậu ta thao thao bất tuyệt, không dừng lấy một giây.
Lời lẽ quen thuộc này, chẳng biết cậu em tôi học lỏm từ lớp “phụ hệ học đường” nào, mà lại thích dạy dỗ phụ nữ đến vậy.
Vậy nên, tôi hắng giọng, nghiêm túc đáp lại: “Theo tôi được biết, ba căn nhà đứng tên cậu đều đã cho thuê, tiền thuê mỗi tháng hơn mười nghìn, nhưng chẳng căn nào dùng để trả nợ, mà tất cả đều để dành vào tài khoản của cậu để chuẩn bị cưới vợ.”
“Cậu thấu hiểu ba mẹ đến vậy thì chắc chắn sẽ không tiếc tiền thuê hộ lý cho mẹ chứ?”
Thấy không, rõ ràng là có thể dùng tiền thuê nhà để trả nợ, nhưng vì con trai, ba mẹ cứ nhất định tự gánh khoản vay trên vai.
Ba mẹ bảo tôi thông cảm cho những khó khăn của họ, bảo tôi thương họ, nhưng thực ra, có những nỗi khổ là do chính họ chọn lấy.
Khổ sở sẽ tìm đến những người thích chịu khổ, cứ việc “ăn khổ” đi, phần tôi thì không ăn đâu.
Trong lúc nói chuyện, tôi đẩy xe đến khu thực phẩm tươi sống và gặp quầy thử bánh hạt dẻ cười, cắn một miếng, ngọt ngào vô cùng.
Tống Gia Hào nghe tôi nói vậy, càng thêm tức giận: “Đừng có so bì với tôi. Tôi là con trai, sau này ba mẹ phải dựa vào tôi để dưỡng già, tất nhiên là không giống chị. Sau này chị lấy chồng thì là người ngoài rồi, sao có thể chia tài sản cho chị được? Chẳng phải lại thành tài sản cho người ngoài sao?”
“Thật ra cũng chẳng trông mong chị làm được gì, sau này mỗi tháng chị chỉ cần đưa khoảng bảy, tám nghìn tệ phụng dưỡng ba mẹ, khi ba mẹ ốm đau thì về chăm sóc là được, trách nhiệm nuôi dưỡng ba mẹ tôi sẽ gánh vác chính.”
Nghe cậu ta nói tôi không khỏi bật cười.
Đúng là một kiểu lý luận ấu trĩ.
May mắn là tôi không bật loa ngoài, nếu không người xung quanh biết tôi nói chuyện với người đầu óc có vấn đề thì xấu hổ c//hế//t mất.
“Alo, chị có nghe không? Tống Kiều Kiều…”
Tôi đưa điện thoại ra xa như tránh tà: “Gió to quá, không nghe được cậu đang sủa gì!”
————
Tám giờ tối, mẹ đăng lên mạng xã hội một bức ảnh trong bộ đồ bệnh nhân, kèm chú thích: “Một mình nằm viện, nhìn thấy con gái người ta ở bên cạnh thật hạnh phúc.”
Chưa đến nửa giờ, dưới bài đăng đã có bảy, tám bình luận hỏi han.
Đúng như dự đoán, một đống cuộc gọi từ họ hàng lại dội tới.
Dì cả là người đầu tiên lên tiếng, nhân danh chính nghĩa để đòi lại công bằng cho chị gái: “Kiều Kiều à, giận dỗi cũng phải có giới hạn, cha mẹ thì làm gì có lỗi chứ, sao con lại bỏ mặc mẹ con không chăm sóc vậy? Dù em trai con có làm gì thì bổn phận của con là con gái, không thể thiếu sót được.”
“Cha mẹ có nỗi khổ của cha mẹ, đến khi con bằng tuổi dì, con sẽ hiểu. Đừng nói là chỉ có nửa tháng, dù có phải chăm vài năm cũng là điều nên làm. Đừng nói là công việc bận rộn, nhìn máy tính thì làm gì mà mệt mà bận? Người trẻ bây giờ sướng quá nên không chịu khổ được.”