1.
Khuyết điểm lớn nhất trong đời tôi, bắt đầu từ cha tôi.
Ông gặp mẹ tôi khi cả hai vẫn còn nghèo khó, từng ngủ dưới tầng hầm, từng ăn cháo cám sống qua ngày. Nhưng đến khi ông leo lên từng bước, cuối cùng trở thành “người đứng đầu” của thành phố Thương Lan, thì mẹ tôi đã sớm vì trầm cảm mà qua đời.
Ông bận rộn với sự nghiệp, thay bồ như thay áo. Với đứa con gái mồ côi mẹ như tôi thì vừa thờ ơ vừa nuông chiều quá mức.
Từ nhỏ tôi đã hiểu rất rõ, chỉ khi tôi ngang ngược, bướng bỉnh, tôi mới có thể khiến ông để mắt tới mình, hoặc được ông yêu thương đôi chút.
Dựa vào quyền thế của cha trong thành phố, 17 năm đầu đời của tôi, mỗi một giai đoạn đều có những “người bạn” xuất thân tương tự đồng hành. Đủ để tôi nghênh ngang đi khắp phố lớn ngõ nhỏ, chỉ tay sai khiến người khác.
Tôi từng nghe người ta bàn tán: “Mấy đứa con nhà giàu ai chẳng kiêu căng ngạo mạn.”
Nhưng hễ nhắc đến Phó Duật Thâm, thiếu gia của tập đoàn Phó thị thì giọng điệu sẽ đổi ngay: “Đúng là xuất thân tốt, có giáo dưỡng.”
Tôi sống bao nhiêu năm, thì cũng quen Phó Duật Thâm bấy nhiêu năm. Bởi ba chúng tôi là bạn thân chí cốt từ thuở thiếu thời. Anh hơn tôi 5 tuổi, từng chứng kiến rất nhiều cột mốc quan trọng trong cuộc đời tôi.
Khi còn chưa biết gì ngoài những con số Ả Rập, chính anh là người đặt tên cho tôi, 01 rồi dần dần thành cái tên “Thẩm Ninh Y”.
Khi tôi bị đám bạn đồng trang lứa trêu chọc vì không có mẹ, chính anh xắn tay áo lên, đánh nhau vì tôi.
Lúc tôi hoang mang vì kỳ kinh đầu tiên, chính anh mặt đỏ như gấc chạy đi mua cho tôi bịch băng vệ sinh đầu đời.
Tôi yêu anh, dường như là chuyện rất đỗi đương nhiên.
Chúng tôi không phải người yêu, nhưng ai cũng cho rằng sau này chúng tôi sẽ thành một đôi.
Tôi cũng tin như vậy. Tôi đã bước vào đời anh suốt 17 năm, anh đáng lý phải yêu tôi.
Nhưng năm tôi 17 tuổi, tôi đã mất anh.
2.
Lần đầu tôi gặp Lý Nam Thư, tôi đã có linh cảm, nàng Lọ Lem định mệnh của Phó Duật Thâm cuối cùng cũng xuất hiện rồi.
Lúc ấy điểm Văn của tôi cực kỳ tệ. Một cô bạn gái của cha đang làm trong Sở Giáo Dục đã giới thiệu một sinh viên xuất sắc, gia cảnh khó khăn đang tìm việc làm thêm Lý Nam Thư đến dạy kèm cho tôi.
Hôm đầu tiên cô ấy đến nhà, mặc một chiếc váy vải lanh màu xanh nhạt, tóc đen dài buông xõa, ôm vài quyển sách đứng dưới dàn hoa mộc hoàng lấp lánh bên ngoài biệt thự. Trông cô ta cứ như nữ chính bước ra từ tiểu thuyết.
Cô dạy tôi bài Mộng (氓) trong sách Ngữ văn.
“Sang chi lạc dã, kỳ hoàng nhi vận.”
Giọng cô ta có một nỗi buồn dịu dàng mà tuổi 20 không nên có, khiến những câu chữ khô khốc bỗng tràn đầy bi thương.
Khi tôi tan học, Phó Duật Thâm đang khoanh tay đứng cạnh cửa, bất giác thất thần nhìn cô ta.
Thẩm Ninh Y 17 tuổi, ngang ngược, bốc đồng, chẳng khác nào đối phó với những cô bạn gái của cha, tôi vẫn dùng cách hờn dỗi, đập phá để đòi lại sự chú ý của ông. Phương pháp này chưa bao giờ thất bại.
Vì vậy tôi cố tình bắt Phó Duật Thâm cúi xuống buộc dây giày cho tôi ngay trước mặt Lý Nam Thư.
Anh nhướng mày, cười nhạt: “Làm nũng.”
Rồi vẫn như thường lệ ngồi xổm xuống, đôi bàn tay thon dài linh hoạt như bươm bướm lượn lờ, khéo léo buộc dây trên đôi giày của tôi.
Lần đầu tiên, tôi thấy mình khao khát đến tuyệt vọng việc giữ anh bên mình.
Nhưng tôi cũng nhận ra giữa tôi và anh có một khoảng cách không thể vượt qua.
Tôi không cách nào ngăn cản sự gần gũi giữa anh và Lý Nam Thư, càng không thể làm gì khi tận mắt thấy ánh mắt lạnh lùng kia bỗng dịu dàng đến lạ lùng trước mặt cô ta.
Về sau, tôi đã từng rất muốn hỏi Phó Duật Thâm một câu:
“Ở bên em, anh thấy chán lắm sao?”
Dù sao thì anh có thể trò chuyện với Lý Nam Thư về tuyết đầu mùa ở Tử Cấm Thành, về thơ của Borges, về hiệu ứng Tyndall và ánh sáng, về chi phí của dối trá và ranh giới của sự thành thật…
Còn tôi thì sao? Tôi chỉ biết nói về shopping, quần áo mới, mua sắm. Vô cùng nông cạn, cực kỳ thế tục.
Thế nên anh yêu cô ta, hoàn toàn là lẽ đương nhiên.
Hè năm lớp 11, một người bạn đại học của Phó Duật Thâm mời anh dẫn “cô em thanh mai trúc mã” cùng đi dã ngoại ngắm sao và bình minh ở ngọn núi nổi tiếng của thành phố bên cạnh.
Tôi vui vẻ ngồi ghế phụ, lén nhìn gương mặt nghiêng sắc sảo của anh. Nhưng xe không lên cao tốc mà dừng lại trước căn nhà gạch đỏ cũ kỹ trong phố cổ.
Lý Nam Thư đứng đó, vẫy tay với anh.
Anh khẽ cười, mở cửa xe cho cô ta, đến vành tai cũng đỏ lên.
Tôi nhìn cô ta qua gương chiếu hậu.
Cô ta mỉm cười: “Ninh Y sắp thi đại học rồi, còn thời gian đi cùng sao?”
Tôi chẳng buồn quay lại, chỉ nhíu mày, gắt gỏng như một con nhím: “Nên cô tưởng đây là thế giới hai người à?”
“Ninh Y.” Anh cau mày, giọng không vui.
Tôi giận dỗi mở to cửa kính xe, mặc cho gió tạt vào làm mắt tôi khô rát.
Tối hôm đó, bệnh dạ dày của Phó Duật Thâm tái phát.
Anh là kiểu người được nuông chiều từ nhỏ, dạ dày yếu như thủy tinh, ăn đồ nướng uống bia dưới gió núi nên không chịu nổi.
Người bạn mời tụ tập đã say bí tỉ, tôi không có bằng lái, đành liều mình xuống núi tìm hiệu thuốc.
Đường không quen, dù đi nhanh thế nào thì cũng chỉ có thể mông lung tìm đường giữa thị trấn cổ xập xệ toàn đồ lưu niệm bán sỉ.
Tôi không ngờ rằng, trong 2 tiếng tôi vắng mặt, Lý Nam Thư đã cõng anh xuống núi.
Cô ta lảo đảo, tay chân trầy xước tím bầm.
Lúc tôi tới bệnh viện, họ đang nắm tay nhau.
Sau này, lúc tôi đi làm thủ tục xuất viện cho anh, cô ta nhẹ nhàng vén tóc tôi, thì thầm:
“Ninh Y, lần sau… nhớ chạy nhanh hơn một chút nhé.”
Tham gia bình luận ngay...
You must be logged in to post a comment.