15
Ta vô lực nói: “Còn có đường nào khác nữa? Làm ăn thì không có vốn liếng, không có quan hệ, học hành thì chàng không đỗ, làm ruộng thì chúng ta không có đất.”
Ta thầm nghĩ, trên người ta còn có hai lượng bạc cùng mười ba đồng tiền nhưng số tiền này không thể dùng.
“Không có nhà thì có thể chặt gỗ, chặt tre để tự dựng một căn nhà gỗ nhỏ, rồi sau đó từ từ mở rộng. Không có tiền thì có thể đi bắt gà rừng, thỏ rừng nuôi trước, đợi thỏ rừng đẻ thỏ con, rồi đem đi bán, thế nào cũng bán được ít tiền. Không có đất thì có thể lên núi khai hoang, ta không tin thiên hạ rộng lớn như vậy, lại không khai hoang được đất.”
Nói rồi, thư sinh lại thở dài, nói: “Nhưng mà những việc này đều rất tốn thời gian, hơn nữa công sức bỏ ra và thu hoạch được hoàn toàn không bằng ta đi học. Cho nên bây giờ ta không làm. Đợi đến khi ta học hành không có đường ra, ta sẽ kiếm tiền nuôi nàng. Cách tốt nhất vẫn là chúng ta đến kinh thành, nơi đó phồn hoa, ta chỉ cần dựng một quầy hàng, bán chữ bán tranh viết thư cho người ta, một ngày thế nào cũng kiếm được tiền mua vài cái bánh bao.”
Ta hỏi hắn: “Nếu chàng là ta, chàng sẽ làm thế nào? Nữ tử lại không được thi cử.”
Hắn im lặng một lúc lâu.
Ta lại hỏi, hắn mới nói: “Nếu ta là nàng, ta sẽ thu xếp bản thân cho đẹp đẽ một chút, triều đình sắp tuyển cung nữ vào cung hầu hạ rồi.”
“Là tuyển tú nữ sao?”
Thế chẳng phải có thể làm nương nương sao?
16
“Không phải, là cung nữ, cũng giống như nàng ở thanh lâu hầu hạ người ta, chỉ có điều là đi hầu hạ quý nhân, quy củ nhiều, phải lo lắng mất đầu bất cứ lúc nào, không phải ai cũng làm được.”
Ta nói: “Ta chắc chắn làm được.”
Hắn cười cười, nói: “Thế thì đây cũng là một con đường rất tốt nhưng mà nàng năm nay đã mười bốn rồi, năm nay đã là năm cuối cùng, nếu nàng muốn đi, phải nhanh lên.”
Thư sinh nói với ta vào cung thì thường phải đến hai mươi lăm tuổi mới được ra, nếu được phân đến phủ đệ của vương gia, quý tộc hầu hạ thì phải xem tâm trạng của gia chủ.
Ta hỏi hắn còn có con đường nào khác không.
Hắn nói với ta là không có.
Vào cung làm cung nữ?
Đây đúng là một cơ hội để mở rộng tầm mắt.
Nhưng mà nếu làm cung nữ, hai mươi lăm tuổi mới được ra ngoài lấy chồng thì đúng là một bà cô già rồi.
Ta hỏi thư sinh: “Ta có cơ hội làm nương nương không?”
Thư sinh nói: “Hy vọng vô cùng mong manh, dung mạo của nàng cũng coi như là khả ái, nhưng mà nói đến mức khiến người ta nhất kiến chung tình thì không có, trong cung, không có nhan sắc, không có gia thế bối cảnh, không có đầu óc tuyệt đỉnh, cho dù có leo lên được, cũng rất nhanh sẽ bị kéo xuống.”
Nếu như vậy thì cũng giống ở thanh lâu, giữa các tỷ tỷ cũng không được yên ổn, các nàng sẽ tranh giành khách, chửi bới đánh nhau, còn đi mách lẻo với tú bà nữa.
Có lúc, ta cũng bị kẹp ở giữa khó xử, thậm chí có lúc ta căn bản không biết mình đắc tội với ai, cũng không hiểu được ý tứ sâu xa của người ta.
17
Cuối cùng, thư sinh nói, hắn vẫn hy vọng ta đừng đi.
Hắn nói hai chúng ta đều không còn người thân, hắn nguyện làm người thân của ta, cùng ta nương tựa lẫn nhau.
Nhưng ta vẫn luôn cảm thấy mình bị thiệt.
Tuy nhiên, thư sinh và những nam nhân khác vẫn có vẻ khác nhau.
Ít nhất hắn có thể nói lý lẽ một cách rành mạch, hơn nữa nhìn tướng mạo hắn cũng ôn hòa…
Ngày hôm sau, hai chúng ta đến nha môn làm giấy thông hành và hôn thư.
Nha dịch rất kinh ngạc, bởi vì bách tính đến làm hôn thư không có mấy người, mọi người đều bày tiệc mời khách.
Ta quyết định phấn chấn lên.
Ta đã dùng năm mươi đồng tiền mua một cái rìu, một cái dao chặt, một cái cuốc.
Thư sinh hỏi ta làm gì, ta nói ta muốn làm theo lời hắn để thay đổi cuộc sống của ta.
Đầu tiên ta chặt tre, đan hai cái thúng tre, sau đó đi khắp núi để bắt thỏ rừng và gà rừng.
Ta tìm hai ngày, đều tuyệt vọng rồi, kết quả là tìm được một cái hang thỏ, bên trong có một con thỏ mẹ dẫn theo năm con thỏ con.
Ta vui mừng khôn xiết bắt thỏ về, lót cho chúng loại cỏ khô mềm nhất, cho thỏ mẹ ăn loại cỏ béo nhất.
Ta nuôi thỏ trong sơn động, thư sinh nói thỏ ị và đái rất hôi, ta nói ngửi thấy thơm.
Có thỏ rồi, ta bắt đầu đi dạo dưới chân núi, những chỗ đất tốt đều đã bị người ta khai hoang hết rồi.
Chỉ có một mảnh đất ở ven sông cách xa thôn trang là thích hợp để khai hoang.
Vừa khéo ở đó có một cái sơn động.
Ta gọi thư sinh cùng ta chuyển nhà, từ một cái sơn động chuyển đến một cái sơn động khác.
18
Thư sinh thề với ta, nói rằng tương lai nhất định sẽ để ta từ một tòa nhà to chuyển đến một tòa nhà to khác, để ta sống những ngày tháng không lo cơm áo.
Ta nói hắn đừng khoác lác nữa, đừng làm phiền ta, ta đang suy nghĩ.
Sơn động chúng ta ở cách bờ sông mấy bậc đá, ở đây, giặt y phục tắm rửa đều tiện hơn rất nhiều.
Chúng ta ở trong sơn động trước kia, thư sinh có thể đi xuống sông tắm nhưng ta mỗi lần đều rất bất tiện, chỉ có thể dùng thùng gỗ xách nước lên động để tắm, còn không thể đun nước nóng, bởi vì rất bất tiện.
Bởi vì bên bờ sông có một chỗ lõm tự nhiên, ta lấy mấy hòn đá kê chân, sau đó mỗi lần dẫm lên đá vào chỗ lõm, có thể ẩn núp bên trong, rồi để thư sinh canh chừng cho ta, ta có thể tắm rửa thoải mái.
Điều khiến ta vui hơn nữa là, bên trong chỗ lõm đó có một cái sơn động nhỏ và hẹp, ta đã bắt được rất nhiều cá ở bên trong!
Mỗi lần ta đều xách theo một cái thùng, sau đó dùng cái thúng tre đan sẵn vây kín lối ra, rồi bắt cá.
Ta bắt được rất nhiều cá, bán được mấy trăm đồng tiền.
Những con thỏ nhỏ ta nuôi cũng lớn dần từng ngày.
Có một con chết vì bệnh, còn lại bốn con, trong đó có hai con đực, cộng với con thỏ mẹ lớn, tổng cộng là ba con thỏ mẹ.
19
Ta dùng tiền bán cá mua một con thỏ đực, bởi vì thỏ con còn phải lớn thêm mấy tháng nữa mới có thể giao phối nhưng thỏ mẹ đã có thể tiếp tục sinh thỏ con rồi.
Ta còn chặt cây và dây leo, bắt đầu dựng nhà gỗ nhỏ.
Nhưng dựng nhà gỗ khó quá, may mà có mấy thúc bá nhiệt tình thấy ta đáng thương, biết ta bị ca tẩu lòng lang dạ sói bán đi, lại bị một tên thư sinh nghèo đeo bám, ngày nào cũng bữa đói bữa no, bọn hắn động lòng trắc ẩn, sau đó một đám thúc bá giúp ta chặt cây, dựng nhà, một đám thẩm thẩm bà bà vác cuốc giúp ta san bằng nền nhà, lại giúp ta khai khẩn một mảnh đất nhỏ trồng rau.
Sửa chữa nhà gỗ nhỏ mất mười mấy ngày thì dựng xong.
Trong thời gian đó, ta không có thứ gì khác để đãi các thúc bá thẩm thẩm, họ cũng không ăn cơm, ta giữ họ lại ăn họ đều không ăn, mọi người làm xong việc, đều vác dụng cụ của mình về nhà, còn nói ta còn nhỏ, bây giờ khổ một chút, tương lai sẽ có ngày tháng tốt đẹp.
Đến ngày nhà gỗ nhỏ hoàn thành, ta đi mua gạo, mì, dầu, lại mua năm cân thịt heo, gói sủi cảo, nấu cháo rau cho mọi người.
Còn hầm đầy một nồi những con cá lớn ta bắt được ở sông cho mọi người ăn.
Bởi vì là ngày cuối cùng làm việc, bọn hắn cũng không khách sáo nữa, mỗi nhà tự mang bát đũa, còn có người mang nồi niêu xoong chảo không dùng nữa đến tặng ta.
Bữa cơm vô cùng náo nhiệt kết thúc, mọi người mới nói nói cười cười trong ánh chiều tà về nhà.
Dọn dẹp xong nhà cửa, nhìn căn nhà gỗ nhỏ của mình, trong lòng ta vui không kể xiết.
Đây là nhà của riêng ta rồi, không ai có thể đuổi ta đi.
Hơn nữa, ta còn có đất.
20
Nhà gỗ nhỏ có một phòng ngủ, một phòng khách, một trù phòng, một nhà vệ sinh.
Trong nhà có một chiếc giường gỗ, trên trải rơm khô mềm mại, trên rơm trải chiếu ta tự đan bằng nan tre.
Phòng khách có một chiếc bàn gỗ, còn có bốn chiếc ghế đẩu, trù phòng có một cái nồi, là thẩm nương của Trương gia tặng ta, những bát thìa khác là người khác tặng.
Ta xem mà vui lắm.
Ta để thỏ của ta ở phòng khách vào ban đêm, sợ người ta trộm, ban ngày thì để trong cái lồng dưới mái hiên.
Ta tràn đầy tự tin bắt đầu cuộc sống mới của mình.
Ta thấy con người của thư sinh này, thật sự là miệng lưỡi trơn tru nhưng lười biếng.
Nhưng chính vì mấy câu nói của hắn, dường như đã giúp ta tìm được phương hướng, thay đổi suy nghĩ của ta, cung cấp cho ta tư duy mới, cho nên đọc sách vẫn có chút lợi ích.
Trước tiên trong đầu phải có kiến thức, phải biết suy nghĩ, cuộc sống mới có phương hướng, mới có thể sống tốt.
Ta đi mua một ít hạt cải bắp về trồng, cải bắp là một thứ tốt.
Bởi vì đất gần bờ sông, là đất cát, lại không đủ lớn, trồng cải bắp là tốt nhất.
Ta nghĩ cứ giữ khư khư số tiền mình có bây giờ, cũng không thể phát tài được, không bằng liều một phen.
21
Suy nghĩ kỹ càng một hồi, ta đã dùng năm trăm đồng tiền mua lưới đánh cá, lại nhờ bá bá trong thôn biết làm nghề mộc giúp ta làm một chiếc thuyền đánh cá, lại mất một lạng bạc.
Ta cảm thấy tim mình như đang nhỏ máu.
Trong quá trình chờ thuyền đánh cá làm xong, ta lại tự mình gánh nước và nhào bùn, xây một cái ao nhỏ vuông vắn bên cạnh nhà.
Thư sinh hỏi ta đang làm gì.
Hắn thật sự là mặt dày lắm, lúc thôn dân giúp chúng ta xây nhà, mọi người đều bận rộn, hắn cầm sách của mình, tìm một chỗ râm mát, tự mình đọc.
Nhà xây xong rồi, cũng không cần gọi hắn, hắn tự dọn dẹp rồi theo ta vào ở nhưng hắn ngủ dưới đất, ta ngủ trên giường.
Bây giờ ta không cần hắn nên lười để ý đến hắn.
Thư sinh cảm thấy mất mặt, lại đi đọc sách.
Đợi đến khi ta mệt chết mệt sống xây xong ao cá nhỏ của mình, thuyền đánh cá cũng làm xong.
Ta liền cầm lưới của mình, ra sông đánh cá.
Thư sinh rất lo lắng, nói với ta rằng: “Nàng là một nữ tử yếu đuối, ở trong rãnh nước nhỏ bắt chút cá thôi thì được rồi, sao lại phải đi làm việc của nam tử chứ? Vạn nhất xảy ra chuyện thì phải làm sao?”
Ta nói với hắn rằng: “Chàng ở nhà nhất định phải trông nom thỏ của ta cho tốt, nếu thỏ của ta không thấy đâu nữa, ta sẽ bán chàng đi làm tiểu quán.”