1
Tôi đã giữ lại Nghiêm Nhu Nhu.
Không, có lẽ bây giờ nên gọi là Tô Lập Trúc.
Bất chấp sự phản đối của hệ thống, tôi đổi cái tên mà tác giả nguyên tác đã đặt cho con bé.
Giờ đây, con bé mang họ của tôi.
Tôi ghét cái cách các nữ chính trong tiểu thuyết luôn không thoát khỏi những cái tên kiểu ABB, lại thường gắn liền với những từ như “Kiều Kiều,” “Nhuyễn Nhuyễn” hay “Nhu Nhu.”
Trong khi đó, tên của nam chính thì luôn được tác giả dày công chọn lựa từ những câu thơ cổ, mang đầy hàm ý sâu xa.
Tôi thích cái tên Lập Trúc.
“Bóng trúc lay nhẹ, đứng thẳng, hướng về phía mặt trời.”
Tôi hy vọng con gái mình sẽ thoát khỏi số phận phụ thuộc vào người khác, sống một đời tự do và độc lập.
2
Năm Lập Trúc lên bảy, con bé vào tiểu học.
Tính cách con bé hoạt bát, được thầy cô và bạn bè quý mến.
Cho đến một ngày, con bé vừa khóc vừa trở về nhà.
Hai bím tóc sừng bò mà tôi tỉ mỉ thắt cho con bé cũng đã bung lỏng.
Tôi hỏi con bé đã xảy ra chuyện gì.
Con bé nghẹn ngào:
“Trong giờ học Trương Chí Cường cứ túm lấy bím tóc con.”
Tôi biết Trương Chí Cường là ai, là cậu bé ngồi ngay sau con gái tôi.
Trong buổi họp phụ huynh lần trước, tôi từng gặp cậu nhóc, một đứa trẻ gầy gò, trông khá lanh lợi.
Tôi cau mày hỏi:
“Con đã nói với cô giáo chưa?”
Lập Trúc gật đầu: “Con nói rồi, nhưng mà…”
Con bé ấp úng: “Nhưng cô giáo bảo, bạn ấy làm vậy là vì thích con.”
Tôi không nổi cáu ngay trước mặt con bé, mà dịu dàng ngồi xuống, nói với nó:
“Dẫn mẹ đi gặp cô giáo Tiểu Phan nhé?”
Trong văn phòng, cô giáo đeo gọng kính đỏ đang nhìn giáo án ngẩng đầu lên, nở một nụ cười đầy ẩn ý.
Cô ta hất cằm về phía con gái tôi, đang ngồi đợi ở xa.
“Lập Trúc xinh xắn, lớp có nhiều cậu bé thích con bé. Chị biết đấy, bọn trẻ ở tuổi này không biết cách biểu đạt tình cảm, nên mới bắt nạt chút xíu, cứ một là lát lại nghịch kéo bím tóc của con bé.”
Cô ta như muốn dùng nụ cười đó để xếp tôi vào một nhóm: những người đã từng chịu tổn thương như vậy nhưng lại lấy đó làm niềm tự hào.
Nhưng dưới sự im lặng của tôi, nụ cười cô ta dần cứng lại.
Tôi bình tĩnh nói: “Tôi không hiểu, tôi chỉ biết con gái tôi đang bị bắt nạt. Đây là bạo lực học đường.”
Cô giáo trước mắt dường như bị từ ngữ nghiêm trọng này làm chấn động.
Cô ta mạnh tay đặt cốc giữ nhiệt xuống bàn, ngồi thẳng người:
“Phụ huynh em Tô Lập Trúc, chị nói vậy là quá đáng rồi. Trẻ con nhỏ như vậy thì hiểu cái gì là bắt nạt chứ? Đây chỉ là đùa giỡn thôi mà.”
“Đùa giỡn?” Tôi lặp lại lời cô ta. “Nếu chỉ là đùa giỡn, có thể để Trương Chí Cường ngồi sau con gái cô không?”
Ai cũng biết cô giáo Phan có con gái học trong lớp.
Người vừa rồi còn tranh luận đầy lý lẽ giờ đây sững sờ.
Vậy là tôi hiểu rồi.
Cô ta không phải không biết điều này là sai, mà là không muốn quản.
Giống như rất nhiều quy tắc ngầm trong xã hội này.
Rõ ràng là sai, nhưng chẳng mấy ai đứng lên nói “Không.”
Vì phá vỡ quy tắc sẽ phiền phức hơn tuân theo gấp nhiều lần.
Cũng giống như một câu “Chỉ là đùa giỡn thôi” nhẹ bẫng, so với việc dạy dỗ con trai phải tôn trọng con gái từ nhỏ, nó đơn giản hơn nhiều.
Nhưng tôi sẽ phá vỡ nó.
Vì con gái tôi.
Cũng vì biết bao cô bé bị giật bím tóc khác trong tương lai.
Tôi muốn chúng hiểu rằng, đây không phải là “thích,” mà là bắt nạt, là bạo lực.
“Cô giáo Phan.” Tôi gọi cô ta trở về thực tại.
“Cô có hai lựa chọn. Một là, chuyển Trương Chí Cường ngồi sau con gái cô; hai là, tách con gái tôi và cậu bé đó ra, đồng thời dạy các nam sinh trong lớp rằng, thích một người không phải là bắt nạt, mà là tôn trọng và yêu thương.”
Cô giáo trước mặt như quả bóng xì hơi: “Tôi chọn cách thứ hai.”
Tôi hài lòng nắm tay con gái rời đi.
Trước khi ra khỏi cửa, cô giáo Phan không cam tâm mà hét với theo:
“Mẹ Lập Trúc, chị quản như thế sẽ ảnh hưởng đến việc giao lưu của con với các bạn cùng lớp đấy!”
Tôi không ngoái lại, giọng chắc nịch:
“Chuyện đó không cần cô bận tâm.”
Về đến nhà, tôi vẫn đem nỗi lo lắng trong lòng nói với con gái.
“Niếp Niếp, nếu hôm nay vì mẹ, Trương Chí Cường sẽ không chơi với con nữa, con có buồn không?”
Nhiều năm qua, hai mẹ con tôi đã có giao ước, có gì nói nấy, tuyệt đối không giấu trong lòng.
Lập Trúc nghĩ một lúc, sau đó rụt rè hỏi lại: “Vậy Trương Chí Cường sẽ không giật bím tóc con nữa, phải không?”
Tôi gật đầu: “Đúng vậy.”
Con bé liền lao vào ôm lấy tôi, đôi mắt sáng rực: “Vậy mẹ chính là người mẹ tuyệt vời nhất trên đời!”
Vòng tay nhỏ bé ấm áp ôm chặt lấy tôi, khiến mọi lo lắng trong tôi tan biến.
Tôi nghĩ, đây chắc chắn là lời khen ngợi tuyệt vời nhất trên thế gian.
3
Buổi tối, sau khi con gái ngủ say, hệ thống lại xuất hiện.
Từ sau khi tôi tự ý giữ lại Tô Lập Trúc, nó rất ít khi lộ diện, xem như một cách phản đối im lặng với hành động của tôi.
Nhưng để nhiệm vụ của cả hai có thể hoàn thành, thỉnh thoảng nó vẫn ló ra để nhắc nhở tôi một chút.
Chẳng hạn như hôm nay—
“Ký chủ, mục tiêu cuối cùng của chúng ta là làm cho chỉ số hạnh phúc của nữ chính đạt đến 100%. Cô phải cố gắng hơn đấy.”
Tôi đột nhiên cảm thấy tò mò:
“Theo kế hoạch ban đầu, khi nào thì chỉ số hạnh phúc của con bé đạt đến 100%?”
Hệ thống: “Đương nhiên là khi kết hôn với người thừa kế tập đoàn Kỳ thị.”
Tôi hỏi tiếp: “Thế sau khi kết hôn thì sao? Chỉ số hạnh phúc của con bé là bao nhiêu, các người có tìm hiểu qua không?”
Hệ thống đột nhiên im lặng.
Tôi hiểu ra, họ chưa từng tìm hiểu.
Giống như những câu chuyện cổ tích luôn kết thúc bằng dòng chữ: “Hoàng tử và công chúa sống hạnh phúc mãi mãi bên nhau.”
Nhưng sau đó thì sao?
Công chúa có nhớ nhà không?
Khi học lễ nghi cung đình, cô ấy có nhớ đến những ngày tháng tự do trong rừng không?
Cô ấy liệu có gặp rắc rối với mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu không?
Hoàng tử liệu có một ngày sẽ yêu người khác không?
Tất cả những điều này… không ai quan tâm cả.
Nếu hạnh phúc chỉ là thứ thoáng qua, thì không thể gọi là hạnh phúc.
Bởi vì những thứ ngắn ngủi không thể làm điểm tựa cho cả một đời người.
Tôi hỏi tiếp: “Bây giờ chỉ số hạnh phúc của Lập Trúc là bao nhiêu, có tra được không?”
Không phải vì dã tâm của một người thực hiện nhiệm vụ, mà là sự tò mò của một người mẹ.
Con gái tôi, hiện giờ nó có hạnh phúc không?
Hệ thống biến mất một lát, chắc là đi tra dữ liệu.
Vài giây sau, giọng nói của nó gần như bị mất kiểm soát, âm thanh chói tai truyền tới:
“54%… Làm sao có thể chứ! Đây đáng lẽ chỉ là mức hạnh phúc khi cô ấy vừa trải qua muôn vàn khổ cực, lần đầu gặp được Kỳ Tố và được anh ấy cứu giúp! Rốt cuộc cô đã làm gì?”
Tôi cúi đầu nhìn con gái đang say ngủ, khẽ cười: “Tôi chỉ làm những gì một người mẹ nên làm thôi.”
Sự thật chứng minh, người cứu công chúa không nhất thiết phải là hoàng tử.
Cũng có thể là hoàng hậu.
Tôi tin rằng không lâu sau, người cứu công chúa sẽ là bản thân cô ấy.
4
Chẳng bao lâu sau, Lập Trúc vào cấp ba.
Thành tích của con bé rất tốt, đặc biệt là trong các môn khoa học tự nhiên.
Gần như lần nào cũng đứng đầu toàn khối môn Toán.
Nhưng một ngày nọ, con bé uể oải về nhà, không nói không rằng.
Tôi lập tức nhận ra con bé đang có điều gì đó không vui, liền hỏi: “Có phải con không hài lòng về điểm thi tháng này không?”
Giọng con bé nghẹn ngào: “Lớp con có một học sinh chuyển trường mới đến, lần thi tháng đầu tiên bạn ấy đã đứng nhất, kể cả môn Toán.”
Tôi hiểu cảm giác của con bé.
Bị đánh bại bởi người khác ở lĩnh vực mình giỏi nhất, cảm giác ấy chắc chắn không dễ chịu.
Vậy nên tôi nhẹ nhàng hỏi: “Cả khối con có bao nhiêu người nhỉ?”
Lập Trúc nghĩ một chút rồi trả lời: “Sáu trăm bốn mươi lăm người.”
Tôi mỉm cười: “Đấy, vậy con đâu phải chỉ thua một người, mà là đã vượt qua sáu trăm bốn mươi ba người khác, như vậy đã rất xuất sắc rồi.”
Nghe lời an ủi của tôi, tâm trạng con bé tốt hơn một chút, nhưng nét mặt vẫn thoáng chút buồn bã.
“Mẹ ơi, thầy giáo dạy Toán của con nói rằng con gái vốn không giỏi các môn khoa học tự nhiên. Dù hiện giờ con học tốt, nhưng đến lớp 12, kiểu gì cũng sẽ bị các bạn nam vượt qua.”
Tôi mỉm cười hỏi lại: “Thầy nào phán như thế?”
Lại là.
Vị thầy giáo nào nữa?
Con bé thở dài: “Thầy dạy Toán của con cũng là hiệu phó của trường.”
Hệ thống trong đầu tôi thích thú: “A ha, lần này không dễ đối phó đâu nhé!”
Tôi nghiêng đầu, suy nghĩ một lát. “Niếp Niếp, con có muốn học ở một trường tư thục tốt hơn không?”
Học phí trường tư thục đắt đỏ hơn nhiều, nhưng nguồn lực giáo dục lại vượt trội thấy rõ.
Quan trọng nhất là, trường tư xem học sinh như khách hàng.
Vì vậy, nếu có người dám nói ra câu “Con gái không giỏi môn khoa học tự nhiên” trong môi trường ấy, tôi có đủ tự tin để tranh luận đến cùng.
Không ngờ, người phản ứng mạnh hơn cả Lập Trúc lại là hệ thống.
Nó hét lên trong đầu tôi: “Không được!!!”
Tôi nhắm mắt không nói nên lời: “Sao ngươi kích động thế?”
Hệ thống vội vàng giải thích:
“Học sinh chuyển trường đó chính là nam phụ. Cậu ta có năng khiếu đặc biệt về mặt học tập, chỉ cần học qua loa là đứng nhất. Ban đầu nữ chính sẽ bị cậu ta áp đảo, nhưng dần dần sẽ coi cậu ta là hình mẫu lý tưởng để phấn đấu, từ đó cảm tình giữa hai người sẽ tăng lên.”
Tôi nghi hoặc: “Thế thì sao?”
Hệ thống gần như phát điên: “Cô không hiểu à? Cậu ta có thể trở thành động lực để nữ chính tiến lên!”
Tôi vẫn duy trì vẻ mặt thắc mắc: “Coi đối thủ là hình mẫu lý tưởng là vì tâm lý con gái tôi tốt, chuyện đó thì liên quan gì đến đối phương là ai?”
Hệ thống nghẹn họng, không nói được gì.
“Nhưng… nhưng…” Nó lẩm bẩm nửa ngày, vẫn không tìm được lý do phản bác.
Tôi bình tĩnh nói tiếp:
“Để nữ chính chịu đựng đủ loại tổn thương, sau đó trưởng thành, đó không phải là yêu thương nữ chính. Ngược lại, điều đó chỉ là cơ hội để nam phụ tỏa sáng, bản chất vẫn là yêu thương nam giới.”
“Yêu thương thật sự là khiến con đường của cô ấy luôn rộng mở, để cô ấy có thể đạp lên tất cả mà bước tiếp.”
Hệ thống im lặng rất lâu, cuối cùng yếu ớt nói:
“Nhưng tất cả những nhiệm vụ ta nhận được, cốt truyện đều là thế này, nữ chính nhất định phải bị hiểu lầm, bị kẻ xấu hãm hại, trải qua muôn vàn gian khổ mới có thể lột xác và có được hạnh phúc thực sự.”
Tôi lắc đầu, sắc sảo phản bác:
“Thế ngươi nhớ lại xem, nam chính trong những câu chuyện đó thì sao? Có phải anh ta luôn xuất thân từ nhà tài phiệt, cả đời chịu đựng nỗi khổ lớn nhất cũng chỉ là… đau dạ dày? Hạnh phúc của nữ chính hoàn toàn dựa vào tình yêu của anh ta. Nếu anh ta rút lại tình yêu ấy thì sao? Nữ chính sẽ chẳng còn gì cả.”
Cuối cùng, tôi kết luận:
“Những câu chuyện này, mặc dù được phân loại là ngôn tình dành cho nữ giới, nhưng bản chất, tất cả đều là truyện khiến nam giới vui vẻ.”
Hệ thống cuối cùng không phản bác lại được, bị tôi thuyết phục hoàn toàn.
Sau một hồi lâu, nó thở dài: “Nhưng nếu thiếu nam phụ, sẽ mất đi một tình tiết có thể nâng cao chỉ số hạnh phúc. Tiếp theo cốt truyện phải làm sao đây…”
Tôi không trả lời nó.
Vì lúc này, ánh mắt của Tô Lập Trúc sau một hồi cân nhắc đã sáng lên.
Dù vẫn còn chút do dự, con bé ngập ngừng hỏi: “Thật sự được sao mẹ? Nhưng học phí trường tư rất đắt.”
Tôi mỉm cười, xoa đầu con: “Tất nhiên là được. Mấy năm qua mẹ cũng dành dụm được chút ít mà.”
Những năm qua, ngoài việc nuôi dạy con gái, tôi cũng học cách kinh doanh.
Không giống như trong nguyên tác, chỉ biết lười biếng chờ con gái cưới vào hào môn để trở thành phú bà.
Đôi mắt Lập Trúc đỏ hoe, nước mắt lăn dài.
Con bé ôm chặt lấy tôi, nghẹn ngào: “Cảm ơn mẹ, con biết mẹ muốn con có môi trường học tập tốt hơn. Mẹ yên tâm, con nhất định sẽ chăm chỉ học tập, không phụ lòng mong mỏi của mẹ!”
Khoảnh khắc ấy, tôi chợt nghĩ, con gái thật sự đã trưởng thành rồi.
Từ trước đến nay, tôi thường thấy nhiều bậc phụ huynh thích áp dụng phương pháp giáo dục kiểu khổ đau, thích kể lể với con cái mình đã vất vả thế nào, hy sinh ra sao.
Thật ra, đâu cần thiết.
Chỉ làm con cái thêm áy náy mà thôi.
Chỉ cần chân thành yêu thương con, tự khắc chúng sẽ cảm nhận được.
Tôi cũng dang tay ôm lấy Lập Trúc, dịu dàng nói: “Hy vọng lớn nhất đời mẹ không phải là con đạt được thành tích cao đến đâu, mà là con thực sự hạnh phúc và vui vẻ.”