12
Cuối cùng, Lập Trúc chọn làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân có mức lương cao.
Dù công việc khá vất vả, nhưng con bé vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết.
Đúng lúc đó, công ty của tôi triển khai một hoạt động từ thiện, hợp tác với các vùng nông thôn để quảng bá nông sản, đồng thời quan tâm đến sức khỏe phụ nữ và trẻ em.
Lập Trúc rất hứng thú với việc này, con bé đã xin nghỉ phép năm để đi cùng tôi.
Chúng tôi đáp máy bay, chuyển sang tàu hỏa, rồi đi xe khách, cuối cùng ngồi trên một chiếc xe ba gác đạp để đến nơi.
Vừa đến nơi, cảnh tượng trước mắt khiến chúng tôi sững sờ.
Một vùng quê heo hút với con đường đất bụi bặm.
Cảnh vật như bước ra từ những bài văn miêu tả, hiện hữu ngay trước mặt chúng tôi.
Quãng đường gập ghềnh, gian nan ấy như cắt đứt sự phát triển của ba mươi năm giữa bên trong và bên ngoài.
Người phụ trách giới thiệu: “Đoạn đường chúng ta vừa đi lúc nãy là đường vào núi, ngày nào bọn trẻ ở đây cũng phải đi qua. Chỉ là chúng nó không có xe ba gác để ngồi, phải tự mình đi bộ thôi.”
Lập Trúc sững sờ, theo phản xạ hỏi: “Đi? Đi đến đâu ạ?”
Người phụ trách trả lời: “Đi học chứ còn gì nữa.”
Tôi không khỏi cứng họng: “Đường xa như thế, tụi nhỏ phải đi bao lâu?”
Người phụ trách giơ bốn ngón tay: “Bốn tiếng đồng hồ, ba giờ sáng phải dậy đi rồi, ngày nào cũng vậy đấy.”
Trong khoảnh khắc ấy, cả tôi và đội ngũ đều rơi vào im lặng.
Người phụ trách có vẻ cảm thấy bầu không khí nặng nề nên cười xòa, xoa tay nói:
“Ui chao, mọi người đến là tốt rồi, chúng ta bán được nhiều nông sản, biết đâu có tiền xây cho tụi nhỏ ngôi trường mới.”
Như bừng tỉnh khỏi những cảm xúc phức tạp, tôi liền lên tiếng:
“Đúng đúng, cố gắng giúp bà con bán được nhiều. Tiểu Trương, dựng thiết bị lên, Tiểu Vương, điều chỉnh ánh sáng nào.”
…
Chúng tôi ở lại thôn Tượng Nhai ba ngày.
Người dân nhường cho chúng tôi căn nhà sạch đẹp nhất để ở.
Đêm cuối cùng trước khi rời đi, tôi và ập Trúc nằm trên một chiếc giường nhỏ, cả hai đều trằn trọc mãi không ngủ được.
Bỗng, tôi nghe thấy tiếng con bé nói:
“Mẹ, hôm nay con đến ngôi trường đó rồi. Con đi mất bốn tiếng đồng hồ, thật sự rất xa. Trường học thì cũ kỹ tồi tàn, bàn ghế như từ thế kỷ 20 để lại.”
Tôi thở dài một hơi, suy nghĩ rồi nói: “Chúng ta trở về để lại thiết bị cho họ, dạy họ cách livestream bán nông sản, cách kinh doanh qua mạng. Có lẽ sẽ giúp ích được chút nào đó.”
Trong bóng tối, Lập Trúc gật đầu, hiếm khi không nói gì thêm.
Một lúc sau, con bé thì thầm:
“Mẹ, mẹ nói xem, ở một nơi như thế này, bao lâu mới có được một học sinh thi đỗ Thanh Bắc? Trong số họ, liệu có ai muốn học toán không?”
Tôi bỗng khựng lại.
Tôi hiểu con gái mình quá rõ.
Ngay lập tức đoán được con bé muốn làm gì.
Quả nhiên, giây tiếp theo, con bé ngồi dậy, quay đầu nhìn tôi với ánh mắt nghiêm túc: “Mẹ, con muốn ở lại đây.”
“Không được!” Tôi gần như không nghĩ ngợi mà phản đối ngay.
Đây là lần đầu tiên tôi kịch liệt phản đối quyết định của Tô Lập Trúc.
Có lẽ quyết định ấy vĩ đại, đúng đắn.
Nhưng lúc này, tôi không quan tâm.
Tôi không thể để con gái mình chịu khổ ở đây.
Ánh mắt Lập Trúc tràn đầy quyết tâm chưa từng có:
“Mẹ, con đã suy nghĩ kỹ rồi. Bao năm qua con luôn trưởng thành dưới sự bảo vệ của mẹ. Mẹ là người thầy tuyệt vời nhất mà con từng biết. Bây giờ con đã lớn, đến lượt con bảo vệ người khác rồi.”
Ban đêm ở vùng nông thôn, không có ánh đèn neon.
Chỉ có ánh trăng chiếu qua cửa sổ, soi rọi đôi mắt kiên định mà lấp lánh của con bé.
Hệ thống thông báo rằng, chỉ số hạnh phúc của Tô Lập Trúc đạt 100%.
Nhiệm vụ hoàn thành.
Lẽ ra đây là khoảnh khắc đáng mừng nhất.
Nhưng lúc ấy, chỉ có sự im lặng đến ù tai.
Tôi không nói gì.
Chỉ lặng lẽ quay lưng về phía con bé.
Khóc suốt một đêm.
13
Lập Trúc dồn hết số tiền tích góp của mình để xây một ngôi trường tiểu học hy vọng.
Con bé từ bỏ công việc lương cao tại doanh nghiệp tư nhân.
Cũng không cho phép tôi góp tiền giúp đỡ.
Nụ cười của con bé dịu dàng mà mạnh mẽ: “Xin mẹ hãy tin con, con có thể tự mình giải quyết mọi việc.”
Tôi không thể nói lời phản bác nào nữa.
Lúc đầu, Kỳ Tố rất ủng hộ con bé.
Chỉ là gia đình thằng bé thì không hoàn toàn đồng tình.
Đặc biệt là ông nội của nó, người có tư tưởng bảo thủ, cổ hủ.
Ông cho rằng phụ nữ sau khi kết hôn nên lui về chăm sóc gia đình.
Hệ thống nói rằng, trong cốt truyện ban đầu, Nghiêm Nhu Nhu kết hôn xong liền từ bỏ công việc, gần như cắt đứt quan hệ với tất cả bạn bè trước đây.
Từ đó, cả đời chỉ sống vì Kỳ Tố, chỉ nghĩ cho nhà họ Kỳ.
Kỳ Tố đã cầu xin ông nội rất lâu, cuối cùng mới thuyết phục được ông ủng hộ việc Lập Trúc đi dạy ở vùng xa.
Nhưng ông đưa ra một giới hạn: trước 30 tuổi phải kết hôn.
Lập Trúc không đồng ý.
Đối diện với Kỳ Tố, con bé rơi nước mắt, nhưng giọng nói lại đầy kiên định:
“Trường tiểu học hy vọng vừa mới xây xong, giáo viên cũng mới tuyển được một nhóm, còn rất nhiều việc phải làm. Trước 30 tuổi, em không thể lập gia đình.”
Kỳ Tố mắt đỏ hoe, giọng nói đầy vẻ van nài:
“Chỉ cần chúng ta đi đăng ký kết hôn để đối phó với ông là được.”
Lập Trúc im lặng rất lâu, cuối cùng vẫn lắc đầu: “Em định dành toàn bộ thời gian và tâm sức cho sự nghiệp giáo dục này. Em không thể chăm lo cho gia đình. Như thế là không công bằng với anh. Em không muốn làm lỡ dở anh.”
Cuối cùng, Kỳ Tố bật khóc.
Đây là lần đầu tiên tôi thấy một người đàn ông khóc thảm thiết đến vậy.
Hệ thống thở dài: “Không ngờ trở ngại giữa nam nữ chính, cuối cùng lại là vì chuyện từ thiện.”
Tôi lắc đầu, không nói gì.
Đứng ở góc nhìn là người ngoài, nói gì cũng chỉ là dư thừa.
14
Lập Trúc ở vùng sâu vùng xa năm năm, cuối cùng cũng hoàn thành ngôi trường tiểu học hy vọng đầu tiên.
Bằng cách kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp, quyên góp trực tuyến và bán nông sản, cô đã dần tích lũy đủ kinh phí.
Rồi từ ngôi trường này, cô lại xây thêm ngôi trường khác.
Các đài truyền hình thi nhau đưa tin về cô.
Một nữ sinh ưu tú tốt nghiệp Thanh Bắc, lại tình nguyện trở thành một nữ hiệu trưởng tận tụy nơi vùng quê nghèo khó.
Ngày Tô Lập Trúc được bầu chọn là một trong mười nhân vật truyền cảm hứng nhất, hình ảnh của cô tràn ngập trên trang nhất của các tờ báo.
Duy chỉ có mục tài chính nhỏ bé trên một tờ báo, đưa tin về hôn lễ của người đứng đầu tập đoàn Kỳ thị, Kỳ Tố, với tiểu thư nhà tài phiệt khác.
Khi nhìn thấy tin tức ấy, Lập Trúc không có nhiều cảm xúc.
Cô chỉ khẽ mỉm cười:
“Tốt thật, cả hai chúng ta đều đạt được điều mình mong muốn.”
Rồi cô cầm lấy sách giáo khoa toán, tiếp tục bước lên bục giảng.
Suốt bốn mươi năm sau đó, cô dốc lòng vào sự nghiệp giáo dục và từ thiện, cả đời không lập gia đình.
……
Đến ngày tôi qua đời, Lập Trúc ở bên cạnh.
Nếu mọi đau khổ của con bé chỉ để thu hút sự chú ý của một người đàn ông, thì quả là một điều hoang đường.
Cô con gái của tôi, giờ đây đã có tóc bạc.
Đôi bàn tay nhỏ nhắn mà tôi từng nắm lấy xưa kia, nay còn thô ráp hơn tay tôi.
Lập Trúc lau khóe mắt, nghẹn ngào nói: “Những năm qua con không ở bên cạnh phụng dưỡng mẹ, là con gái bất hiếu.”
Tôi khẽ lắc đầu, qua mặt nạ thở oxy cố gắng nói: “Con mãi mãi là… niềm tự hào của mẹ.”
Đôi mắt Lập Trúc ánh lên, con bé cúi xuống, nhẹ nhàng ôm lấy tôi.
Giống như năm con bé bảy tuổi, chạy ào tới ôm tôi vậy.
Con bé nói: “Mẹ cũng là người mẹ tuyệt vời nhất trên thế gian.”
Trước khi nhắm mắt lại, tôi cảm nhận được một giọt lệ lăn xuống khóe mắt.
Tôi nghĩ, đây chính là lời khen ngợi tuyệt vời nhất trên đời.